Diễn biến TTCK thế giới:
Chỉ số chứng khoán toàn cầu đi ngang khi thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh tuần đầu tiên sau 5 tuần tăng liên tiếp. Chứng khoán Châu Âu tăng 0,7% để nối dài chuỗi tăng sang tuần thứ 6 liên tiếp, bên cạnh đó chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật Bản cũng có tuần tăng đầu tiên 1,3% sau 2 tuần giảm liên tiếp.
Lạm phát đã khiến chứng khoán Mỹ đứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp, sức ép từ báo cáo lạm phát khiến cả ba chỉ số cũng giảm điểm trong tuần, với Dow Jones giảm 0,6%; S&P 500 tụt 0,3%; và Nasdaq trượt 0,7%. Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ tuần này cho thấy lạm phát ở nước này đã lên tới mức cao nhất trong 30 năm. Bản báo cáo đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất và gây áp lực lên các cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ.
Dữ liệu mới nhất công bố vào sáng ngày thứ Sáu càng nhấn mạnh nỗi lo lạm phát kéo dài và mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường lao động. Cụ thể, Đại học Michigan cho biết chỉ số tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ vào đầu tháng 11 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. Theo báo cáo, nhiều người tham gia khảo sát đã chỉ ra những lo ngại về lạm phát. Trong khi đó, Chứng khoán Khu vực Châu Á khép lại một tuần khởi sắc nhờ lực đẩy từ chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong. Bên cạnh đó, chứng khoán Khu vực Đông Nam Á cũng tăng trên diện rộng.
Diễn biến TTCK Việt Nam:
Thị trường chứng khoán trong nước cũng hoàn tất tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong chuỗi tăng 5/6 tuần vừa qua. Thanh khoản vẫn giữ ở mức cao kỷ lục, bình quân mỗi phiên có tới 1 tỷ cổ phiếu được trao tay trong vòng 2 tuần vừa qua. Dòng tiền hoạt động mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đầu cơ ở sàn Upcom.
Chỉ số VN-Index tuần vừa qua tiến thêm 16,86 điểm (+1,16%) để xác lập mức cao kỷ lục mới (theo giá đóng cửa), đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong chuỗi tăng 5/6 tuần vừa qua của chỉ số này. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Vn30 tiếp tục giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp và trong vòng 4 tuần gần đây, chỉ số này giảm tới 3 tuần. Đáng chú ý vẫn là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ (midcap và smallcap), cả 2 nhóm này đều chốt tuần ở mức cao kỷ lục và duy trì chuỗi tăng sang tuần thứ 6 liên tiếp. Trong đó nhóm midcap có mức tăng mạnh nhất thị trường 6,43%, nhóm smallcap cũng vọt 4,96%. Hiện nhóm midcap đang có sự tăng tốc rõ nét, trong 3 tuần vừa qua nhóm này đều có mức tăng ấn tượng, lần lượt đạt 3,1%, 4,5% và 6,4%.
Gây ấn tượng cho nhà đầu tư có lẽ là các cổ phiếu trên sàn Upcom, đây mới chính là đỉnh cao của của dòng vốn đầu cơ ở giai đoạn này. Hiện tượng các cổ phiếu trần hàng loạt sau khi thị trường đóng cửa đã thường xuyên diễn ra. Mặc dù thanh khoản không lớn theo giá trị do thị giá của các cổ phiếu ở đây rất bé nhưng dòng tiền vào đang ngày càng gia tăng, bình quân kể từ đầu năm giá trị khớp lệnh đạt khoảng 1.380 tỷ đồng/phiên thì tuần vừa thanh khoản đã tăng lên mức 2.830 tỷ đồng, có phiên đạt trên 3.000 tỷ đồng. Với lợi thế, biên độ dao động giá cổ phiếu trong ngày được phép lên đến 15%, gấp đôi so với HOSE (7%) và gấp rưỡi so với HNX (10%), không ít cổ phiếu trên UpCom đã và đang mang lại cơ hội kiếm lời lớn cho nhà đầu tư.
Việc chỉ số VN-Index đang ở đỉnh cao mới tiếp tục được hỗ trợ bởi thanh khoản thị trường, giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX vẫn đạt trên 29.000 tỷ đồng, đáng chú ý là thanh khoản nhóm midcap vẫn đang được duy trì trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng, tương đương với thanh khoản nhóm Vn30. Dòng tiền được khơi thông kể từ đầu tháng 11 cũng là hệ quả của số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng so với tháng trước đó.
Tuần vừa qua, chúng tôi ghi nhận mức tăng vượt trội của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (+6,48%), nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công (+4,89%), cũng như nhóm cổ phiếu chứng khoán (+4,74%),… điều này là hiển nhiên khi thanh khoản thị trường ngày càng lập kỷ lục mới, các công ty chứng khoán phần lớn đều có kết quả kinh doanh vượt kế hoạch chỉ sau 9 tháng. Bên cạnh đó, vốn ngoại chọn Việt Nam là “bến đỗ”, bất động sản công nghiệp Việt tiếp tục sôi động. Việt Nam đang có 394 khu công nghiệp với diện tích 121.900ha, trong đó, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt gần 72%. Còn lại 108 khu công nghiệp đang được xây dựng hoặc trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo ông John Campbell, Trưởng bộ phận, Dịch vụ Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam, kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho năm 2022 phục hồi hơn nữa
Về khối ngoại: Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.368 tỷ đồng trên toàn thị trường, đây cũng là tuần bán ròng thứ 2 liên tiếp sau tuần mua ròng nhẹ 330 tỷ đồng cuối tháng 10 vừa qua. Các cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm mua vào của khối ngoại, ở chiều ngược lại họ bán ròng cặp đôi PAN và SSI. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 52.267 tỷ đồng. Tín hiệu tích cực đối với dòng vốn đầu tư quốc tế là việc một số thị trường Đông Nam Á đang được mua ròng trở lại trong tuần vừa qua.
Tuần tới, thị trường đang kỳ vọng về giói kích thích kinh tế được thông qua, nhất là khi kỳ họp Quốc Hội sắp kết thúc. Bên cạnh đó, World Bank cũng lạc quan về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam khi số liệu kinh tế – xã hội tháng 10 cho thấy sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy. Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi cú “chạy nước rút” của 203.913 tỷ đồng vốn đầu tư công,… đây là những điểm tựa để thị trường bứt phá cao hơn trong tuần tới. Tuy vậy, tâm điểm của thị trường có thể tiếp tục ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt ở sàn upcom với biên độ rất rộng đang tạo nên sức hấp dẫn lớn và dòng tiền vẫn đang tăng vọt, bên cạnh đó nhà đầu tư vẫn nên lưu ý nhóm cổ phiếu ngân hàng khi mức tâp trung vốn ở nhóm này đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong tuần vừa qua.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức cao mới, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao đang ủng hộ cho xu hướng tăng mở rộng. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường với thanh khoản tập trung ở các cổ phiếu tăng vẫn áp đảo thanh khoản ở các cổ phiếu giảm, số mã có giá lớn lớn MA50, MA100 hay MA200 vẫn tương đối tích cực và đều đạt trên 90% cho thấy đà đi lên của thị trường đang diễn ra trên diện rộng. Chỉ số VN-Index có thể xuất hiện nhiều nhịp rung lắc quanh ngưỡng 1.475 – 1.500 điểm nhưng với thanh khoản duy trì cao và dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường khả năng chỉ số sẽ sớm vượt ngưỡng 1.500 điểm và hướng tới thử thách vùng cản 1.520 – 1.540 điểm. Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý hợp đồng tương lai tháng gần nhất sẽ đáo hạn trong tuần sau.
MBS CLTT.