Diễn biến thị trường quốc tế:
Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt khởi sắc trong tuần giao dịch vừa qua dẫn đầu bởi cổ phiếu công nghệ, sự kỳ vọng của giới đầu tư trước gói kích thích kinh tế và đặc biệt là những số liệu kinh tế mới nhất cho thấy bức tranh phục hồi kinh tế toàn cầu đang tích cực hơn ngay cả khi những căng thẳng Mỹ-Trung vẫn chưa hạ nhiệt. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 46.50 điểm (tương đương 0.2%) lên 27,433.48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0.1% lên 3,351.28 điểm. Đà tăng này đã đủ để Dow Jones và S&P 500 nới rộng chuỗi leo dốc sang ngày thứ 6 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0.9% còn 11,010.98 điểm trước làn sóng chốt lời của nhóm cổ phiếu công nghệ và chấm dứt mạch tăng 7 phiên liên tiếp.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh mở rộng gói hỗ trợ thất nghiệp: Ngày 8/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ký sắc lệnh hành pháp mở rộng gói hỗ trợ thất nghiệp cho người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. trong sắc lệnh này, mỗi người dân Mỹ thất nghiệp sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ 400 USD/tuần. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cam kết nếu ông tái đắc cử ông sẽ cắt giảm lâu dài thuế tiền lương. Quyết định ký một loạt các sắc lệnh được Tổng thống Trump đưa ra sau khi Nhà Trắng và đảng Dân chủ không đạt được thỏa thuận đối với gói hỗ trợ mới.
Những số liệu mới nhất cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực tại các nền kinh tế lớn từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu. Cụ thể, chỉ số PMI Caixin/Markit sản xuất tháng Bảy của Trung Quốc đã tăng lên sát ngưỡng cao kỷ lục, đạt 52,8 điểm từ mức 51,2 điểm của tháng Sáu. Tại châu Âu, chỉ số PMI tổng hợp tháng Bảy của khu vực đồng tiền chung euro đã tăng 6 điểm lên 54,9 điểm, ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 2 năm qua.Sản lượng công nghiệp của Đức tiếp tục phục hồi trong tháng Sáu, tăng trưởng 8,9% so với tháng liền trước.
Những dấu hiệu tích cực tương tự cũng được ghi nhận tại Mỹ, với số đơn đặt hàng nhà máy tháng Bảy cao hơn so với kỳ vọng và chỉ số hoạt động nhà máy bất ngờ tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 trong tháng vừa qua. Đáng chú ý, báo cáo thị trường lao động mới được công bố của Mỹ cho thấy đã có 1,76 triệu việc làm mới được bổ sung trong tháng vừa qua. Không những vậy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới hàng tuần tại quốc gia này cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng nổ vào đầu tháng Ba. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã được cải thiện, giảm từ 11,1% xuống 10,2% vào cuối tháng Bảy.
Trong một diễn biến khác, chính quyền tổng thống Trump thắt chặt các lệnh hạn chế đối với các mạng truyền thông xã hội Trung Quốc là Tiktok và WeChat tại Mỹ trước những quan ngại về quyền riêng tư. Động thái này đã vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc, do đó có nguy cơ khiến những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên tồi tệ hơn.
Tình hình dịch Covid-19: Đỉnh dịch đang dần hình thành!
Tại Mỹ, số ca nhiễm mới/ngày có xu hướng giảm rõ rệt và có xu hướng tạo đỉnh khá rõ nét khi theo dõi số liệu trung bình 7 ngày. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan trên diện rộng, nhưng tốc độ đang cho thấy giảm dần.
Tại châu Âu, do tình trạng bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai, nhiều nước đã áp đặt các biện pháp siết chặt mới. Cụ thể, Tây Ban Nha ghi nhận số trường hợp nhiễm mới hơn 3.000 ca/ngày trong 7 ngày qua. Đức và Pháp cũng chứng kiến các ca nhiễm mới hàng ngày tăng đến số hàng nghìn… Làn sóng thứ hai tại Nhật Bản và Australia vẫn tiếp tục dâng cao và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh, buộc các quốc gia này phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Xu hướng tái lây lan virus hiện nay trên khắp thế giới có thể là hệ quả không tránh khỏi khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp phong tỏa đóng cửa, đặc biệt trong bối cảnh chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị cho loại virus này.
Tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 9/8, tổng số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên 812 ca, trong đó 407 ca hiện đang được điều trị, 395 ca đã phục hồi và 10 ca tử vong. Sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục (82 ca mới) vào ngày 31/7, trung bình mỗi ngày Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 30 ca nhiễm mới trong tuần qua. Ngoài ổ dịch Đà Nẵng, hiện có hơn 10 tỉnh thành phố đã phát hiện những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bắc Giang, Đồng Nai, Đăk Lăk… Trong đó, các thành phố lớn đều đã kích hoạt hệ thống phòng dịch cấp độ cao nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:
Thông tin vĩ mô trong nước:
- Ngày 06/08/2020, NHNN đã công bố Quyết định giảm 0,5% lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN từ mức 1% xuống 0,5%. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN cũng được giảm 0,2%, từ mức 1% xuống 0,8%. Chúng tôi đánh giá quyết định này nhằm mục tiêu chủ yếu là giảm chi phí hoạt động cho NHNN. Điều này đồng nghĩa thu nhập của các NHTM từ tiền gửi dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN theo đó sẽ bị giảm theo. Việc giảm lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc không giống như việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu… (giúp giảm chi phí đi vay của NHTM, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường). Do đó, việc NHNN giảm lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc của các NHTM không phải là động thái thể hiện nới lỏng thêm tiền tệ.
- Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN tăng tốc mạnh trong tháng 7. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2020 đạt 45.653 tỷ đồng, tăng 13,6% so với tháng trước và tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giải ngân trong một tháng cao nhất kể từ 01/2014 đến nay. Tính chung 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng đầu năm 2019 tăng 4,7%). Theo kế hoạch của Chính phủ, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho cả năm 2020 là 700 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã giải ngân được 154 nghìn tỷ đồng. Như vậy, dư địa để giải ngân cho 6 tháng cuối năm lên tới 545 nghìn tỷ đồng.
- Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 7 ước đạt 45 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2%.Mặc dù là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP nhưng việc XK vẫn tăng trưởng 0,2% trong 7 tháng đầu năm là diễn biến rất đáng khích lệ đối với Việt Nam, đặt trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia đều có XK suy giảm từ 20-40%. Với việc các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU đã và đang dần mở cửa lại nền kinh tế, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dần cải thiện hơn trong hai quý cuối năm
Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:
Sau 2 tuần giảm liên tiếp hơn 9% và lệnh pha so với thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường trong nước bước vào tuần đầu tiên của tháng 8 với tuần tăng trọn vẹn với cả 5 phiên liên tiếp, qua đó lấy lại những gì đã mất kể từ phiên giảm mạnh ngày 24/7 (theo giá đóng cửa). Thanh khoản tuy giảm so với vùng đáy nhưng dòng tiền đã có sự lan tỏa rộng khắp ở các nhóm ngành, đặc biệt là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng và vật liệu xây dựng, … Thị trường tích cực hơn với 307 mã tăng, 60 mã giảm giá và 15 mã đứng giá. Đà tăng lan tỏa ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, nhóm Finlead tăng 5,72% và nhóm Finselect tăng 5,38%. Ngoài ra nhóm Diamond với mức tăng 6,03%, nhóm Midcap tăng 6,08%, nhóm Smallcap tăng 6,79%.
Về xu hướng dòng tiền: Mặc dù chỉ số VN-Index tạo đáy ngắn hạn ở vùng 780 điểm và phục hồi đi lên nhưng thanh khoản tuần qua có sự sụt giảm nhẹ khi thanh khoản khớp lệnh bình quân phiên đạt hơn 3.736 tỷ đồng (giảm 9,9% so với tuần trước). Tuần trước khi thị trường sụt giảm do ảnh hưởng làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam thì NĐT nội bán rất mạnh với mức bán ròng lên tới 1.840 tỷ đồng, ngược lại nhóm Tổ chức trong nước và Tổ chức nước ngoài mua ròng lần lượt là 455 tỷ và 655 tỷ đồng. Thế nhưng, tuần này là tuần phục hồi thì tín hiệu bán của NĐT cá nhân vẫn chưa dừng lại khi họ tiếp tục bán ròng -674 tỷ đồng và nhóm Tổ chức nước ngoài quay lại bán -73,4 tỷ đồng.
Khối ngoại là nhân tố giúp thị trường tăng mạnh trong tuần vừa qua khi họ mua ròng 13/20 nhóm cổ phiếu. Tuần vừa qua họ bán ròng hơn 155 tỷ đồng ở sàn HSX chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận, trong khi đó vẫn mua ròng hơn 148 tỷ đồng thông qua kênh khớp lệnh, đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp khối ngoại duy trì mạnh mua ròng.
Dòng vốn đầu tư quốc tế: dòng vốn đầu tư quốc tế qua kênh ETF đã duy trì hút được vốn ròng tuần thứ 3 liên tiếp trong tuần vừa qua với giá trị 3,92 triệu USD nhờ quỹ Kim Index. rong thời gian tới, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm dòng vốn từ các quỹ ETFs mới như SSIAM VN30 ETF hay VinaCapital VNX100 ETF…
Kết Luận:
Mặc dù không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực nào mới nhưng khả năng thúc đẩy chỉ số tăng liên tục như trong tuần vừa qua sẽ có tác dụng thúc đẩy dòng tiền đứng ngoài quay trở lại thị trường. Thời điểm đầu tháng 4 vừa qua, giữa lúc dịch bệnh lan tràn và phải giãn cách xã hội, chỉ số VN-Index cũng được kéo dứt khoát liền 3 phiên cực mạnh với mức tăng trên 11% cũng đã tạo được hiệu ứng rất tích cực. Thanh khoản trong tuần vừa qua thấp hơn so với vùng đáy cho thấy nhà đầu tư mua giá rẻ đã kìm giữ không bán ra nên cổ phiếu dễ bật tăng mạnh mà không cần khối lượng mua lớn. Điều bất lợi là lượng cổ phiếu giá rẻ tích lũy lớn sẽ gây áp lực trong các phiên sắp tới, trong khi những người muốn đua giá lên cao sẽ ít dần.
Về mặt thông tin thì nóng xoay quanh tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp trong nước. Theo như đánh giá của các chuyên gia đầu ngành thì diễn biến đại dịch sẽ còn phức tạp cho đến tầm 20/8 và khả năng lớn là đại dịch sẽ đạt đỉnh trong 1 tuần tới. Cho nên ảnh hưởng tới diễn biến thị trường tuần tới khá quan trọng.
Đây chính là “giai đoạn bình thường mới” của cả kinh tế và TTCK trước các ảnh hưởng từ dịch bệnh, cần xác định trước tâm lý đó là “sống chung và chiến đầu” với dịch cho đến khi Vắc-xin chính thức được cấp phép. Toàn cầu đang trong giai đoạn TIỀN RẺ nên Thận trọng chứ Không có gì phải bi quan quá về thị trường sắp tới khi mà kinh tế vĩ mô hay diễn biến giao dịch trên thị trường đang ủng hộ quan điểm thị trường cuối cùng cũng sẽ vượt khó đi lên.
Về kỹ thuật, VN-Index đã tạo một vùng đáy thành công tại ngưỡng 780 điểm và đã hồi phục được ½ chặng đường từ vùng đáy đến ngưỡng 900 điểm, bên cạnh đó các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho nhịp phục hồi, hứa hẹn đà tăng tới vùng 870 880. Nhưng trước mắt, tuần tới chúng tôi cho rằng Vnindex sẽ gặp khó khăn tại vùng cản 845 – 855 .
Đồ thị Vnindex ngày 08/08/2020.
Các kịch bản thị trường trong tuần tới : Tình tình bệnh dịch là rất khó dự báo, do vậy nhà đầu tư nên chuẩn bị các kịch bản để ứng phó cho phù hợp với diễn biến của thị trường.
Chúng tôi thiên về kịch bản Đi ngang và phân hóa quanh vùng 830 – 850 điểm! Diễn biến điều chỉnh rung lắc trong phiên tiếp tục tiếp diễn và mức độ sẽ khá nhẹ nhàng.
Hành động: Chốt lời dần danh mục trading tại các vùng kháng cự mạnh từ 845-855 trở lên. Xem xét cơ cấu lại danh mục khi thị trường điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ như 825-830 điểm. Còn đối với các mã đầu tư trung hạn đã ôm từ trước hoặc mua mới, mục tiêu hướng đến vùng định giá hoặc chốt khi đã đạt kỳ vọng lợi nhuận.
Cơ hội cho dòng tiền lúc này đang tìm kiếm các mã cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng trưởng hoặc ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh như các nhóm cổ phiếu đầu tư công (HPG,FCN, PLC ), bất động sản khu công nghiệp ( SZC, NTC) , thực phẩm (GTN) , nhóm thoái vốn (PAC), các cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng (CTG, STB, ACB) nước sạch (TDM, BWE) , dược phẩm IMP, nhóm cp hưởng lợi từ EVFTA MPC FMC, VHC, Viễn thông, công nghệ ( CTR, VGI).
Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.
Xin chân thành cảm ơn!
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================