MARKET STRATEGY WEEKLY 07/06 – 11/06 /2020: DÒNG TIỀN MẠNH - PHÂN HÓA RÕ NÉT. | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY 07/06 – 11/06 /2020: DÒNG TIỀN MẠNH – PHÂN HÓA RÕ NÉT.

Lượt xem:4981 - Ngày:
  • Chia sẻ
  •  

    Diễn biến thị trường quốc tế:

    Chứng khoán thế giới chạm đỉnh 3 tháng và đồng USD giảm 6 phiên liên tiếp khi việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa và hy vọng có thêm các gói kích thích tiền tệ giúp nhà đầu tư tự tin đặt cược vào sự phục hồi kinh tế. Thị trường lao động ở Mỹ đã cải thiện đáng kể trong nửa cuối tháng Năm trong bối cảnh các doanh nghiệp mở cửa trở lại sau hai tháng đóng cửa vì dịch COVID-19. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng trước, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 2,509 triệu việc sau khi giảm kỷ lục 20,687 triệu việc trong tháng Tư. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm so với mức 14,7% của tháng trước đó.Tính trong tuần qua, Dow Jones tăng 6,8%, S&P 500 tiến 4,9% và Nasdaq Composite cộng 3,4%. Với đà tăng này, S&P 500 chỉ còn cách 1,1% so với ngưỡng đầu năm 2020. Tại thời điểm u ám nhất, chỉ số S&P 500 giảm 30,3%. Dow Jones chỉ còn giảm 5% trong năm 2020 sau khi có lúc rớt tới 34,6% trong năm 2020. Còn Nasdaq Composite hiện đã tăng hơn 9,3% trong năm nay. Chỉ số S&P 500 hiện đạt mốc cao nhất kể từ cuối tháng 3 đã giúp các công ty đại chúng của Mỹ đã huy động hơn 65 tỷ USD từ phát hành cổ phiếu trong tháng 5, mức cao nhất từ trước đến nay.

    • Chỉ số cổ phiếu châu Âu của MSCI cũng đang dao động ở đỉnh 3 tháng, STOXX 600 đã tăng hơn 7% trong tuần vừa qua và trở lại mức cao chưa từng thấy kể từ ngày 06/03, so với đầu năm chỉ số này chỉ còn cách 9,7%.
    • Ở thị trường châu á, Hàn Quốc đề xuất gói ngân sách bổ sung trị giá 35.3 ngàn tỷ Won (tương đương 28.8 tỷ USD), từ đó nâng tổng giá trị gói kích thích lên 270 ngàn tỷ Won để chống lại đại dịch Covid-19.
    • Ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – nơi dịch Covid-19 đã được kiểm soát tương đối, các chỉ số chứng khoán đã phục hồi đáng kể và chỉ còn cách 3-4% so với mức đỉnh năm 2020, trong đó thị trường Hàn Quốc gần như đã chạm tới mức đầu năm khi chỉ còn giảm nhẹ 0,7%.
    • Chỉ số chứng khoán khu vực Đông Nam Á cũng tăng 9,6% trong tuần vừa qua nhờ thị trường Philippine tăng mạnh 10,7% khi quốc gia này được dự báo GDP sẽ tăng trưởng dương 0,7% trong quý 2 từ mức -0,2% trong quý 1.

    Cập nhật tình hình kinh tế:

    • Thị trường lao động ở Mỹ đã cải thiện đáng kể trong nửa cuối tháng Năm trong bối cảnh các doanh nghiệp mở cửa trở lại sau hai tháng đóng cửa vì dịch COVID-19.
    • Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB mở rộng chương trình mua trái phiếu. ECB tăng quy mô chương trình mua trái phiếu của mình thêm 600 tỷ euro lên mức 1,35 nghìn tỷ euro và kéo dài thời hạn đến ít nhất là tháng 6/2021 (tương đương 1.520 tỷ USD), một động thái mạnh tay tương tự như Fed.
    • Hoạt động của các nhà máy châu Âu bắt đầu hồi phục. Chỉ số PMI tổng hợp cho tháng Năm của khu vực đồng tiền chung châu Âu vượt ngoài kỳ vọng ban đầu, tăng lên 31,9 điểm từ mức 13,6 điểm trong tháng Tư. Mặc dù con số này vẫn nhỏ hơn 50 điểm – cho thấy các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, tuy nhiên sự cải thiện của chỉ số cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi.
    • Thu hút gần 50 tỷ USD, Ấn Độ lập kỷ lục thu hút FDI năm tài chính 2019-2020. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020 đạt mức kỷ lục 49,97 tỷ USD, tăng 13% so với mức 44,36 tỷ USD trong năm tài chính trước.
    • Giá thép tương lai tại Trung Quốc lên đỉnh 9 năm. Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hai tăng 1,5% trong phiên 3/6 lên 3.663 nhân dân tệ/tấn (515,97 USD/tấn), mức cao nhất kể từ tháng 2/2011. Hoạt động xây dựng đang dẫn dắt đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, từ đó cải thiện biên lợi nhuận thép và thôi thúc các nhà máy sản xuất đẩy mạnh sản lượng. Dữ trữ thép thanh tại Trung Quốc được ước tính giảm 40% kể từ giữa tháng 3/2020, cho thấy sự phục hồi mạnh về nhu cầu.
    • OPEC + đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Theo thông tin từ hội nghị trực tuyến của các ông lớn trong ngành dầu mỏ hôm nay, các đại biểu cho biết tất cả các quốc gia OPEC+ đã đồng ý với thỏa thuận mới: duy trì việc cắt giảm sản lượng 9.7 triệu thùng mỗi ngày đến cuối tháng 7, thay vì giảm xuống còn 7.7 triệu thùng sau tháng này như kế hoạch ban đầu.

    Tình hình dịch Covid-19: Tái mở cửa và phục hồi, con đường dần dần rộng mở!

    Tính đến hết ngày 31/05, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới chạm ngưỡng 6,9 triệu trường hợp tăng hơn 13% và hơn 402.000 trường hợp tử vong tăng 8% so với tuần trước. Số ca nhiễm virus mới hàng ngày trên thế giới trong tuần qua có xu hướng tăng, phần lớn đến từ các quốc gia đang phát triển tại Nam Mỹ và Trung Đông. Trong khi những điểm nóng cũ như châu Âu và Mỹ đều ghi nhận số ca nhiễm mới giảm dần đều. Thậm chí một số điểm nóng mới như Nga và Brazil đều đã đi qua đỉnh dịch.

     THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:

    Tin vĩ mô đáng chú ý trong tuần:

    Xuất nhập khẩu hồi phục trong tháng 5. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 5/2020 mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã có sự tăng trưởng so với tháng 4/2020 thời điểm bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm nhẹ 1,7% trong bối cảnh thương mại quốc tế suy giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19 là một tín hiệu đáng khích lệ. Nhiều khả năng xuất khẩu trong tháng 6 sẽ tiếp tục tăng trưởng so với tháng 5 do Mỹ và EU mở cửa lại nền kinh tế.

    Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng Năm tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%. Trong tháng 6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục khi dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát và các hoạt động giao thương trong nước đã trở lại bình thường gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, sẽ chưa thể kỳ vọng có thể đạt được trở lại như mức trước dịch vì Việt Nam vẫn chưa thể đón thêm các du khách nước ngoài. Du lịch nội địa cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng tới, đặc biệt là nhóm khách hàng không thể du lịch quốc tế sẽ chuyển sang du lịch nội địa.

    Tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng chậm. Theo NHNN, tính đến ngày 29/05, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng1,96% so với cuối năm 2019 (thấp hơn mức 5,74% trong 5 tháng đầu năm 2019). Mặc dù NHNN và các ngân hàng đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy nhu cầu vốn từ các doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp cận các khoản vay mới là khá thấp

    Giải ngân FDI tháng 5 đạt mức cao nhất trong 4 tháng qua. Vốn FDI giải ngân tăng mạnh 19,2% so với tháng trước lên 1,6 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 sẽ giúp cải thiện niềm tin nhà đầu tư đối với tình hình vĩ mô nói chung của Việt Nam, qua đó càng củng cố sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam so với các quốc gia khác.

    Theo thông báo nội dung cuộc họp của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ngày 5/6, một số dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ được điều chỉnh từ phương thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư từ ngân sách nhà nước.

    Đồ thị Vnindex 05.06.2020.

    Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:

    Chứng khoán trong nước tiếp tục có tuần tăng thứ 5 liên tiếp nhờ dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường vẫn giữ ở mức cao, bên cạnh đó số tài khoản mở mới cũng không ngừng tăng trong tháng 3, 4 và tháng 5 vừa qua, ngoài ra tín hiệu tích cực từ khối ngoại đã mua ròng ở nhiều ngành hơn cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong tuần vừa qua.

    Với việc liên tếp vượt các ngưỡng 870 điểm đến 880 điểm, độ rộng thị trường khá tích cực với 243 mã tăng, 109 mã giảm giá và 29 mã đứng giá. Nhóm Vn30 thậm chí có tới 25 mã tăng giá, 5 mã giảm giá và 0 mã giữ giá trong tuần vừa qua. Thị trường đã tạo sự lan tỏa rộng khắp ở các nhóm cổ phiếu, ngoài nhóm Vn30 thì nhóm ETF cũng có mức tăng rất tốt, đặc biệt ở nhóm Finlead và Finselect. Trong tuần vừa qua, nhóm Finlead tăng ở mức tăng mạnh nhất 5,46%, tiếp đến là nhóm Finselect tăng 5,11%. Ngoài ra nhóm Smallcap có mức tăng 4,56%, nhóm Midcap tăng 4,49% và nhóm Diamond tăng 3,58%. Tuần vừa qua cũng là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của nhóm midcap và tuần tăng thứ 9 liên tiếp của nhóm Smallcap.

    Bên cạnh đó, có thể sau đợt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư đã nhận định đây chính là cơ hội mua cổ phiếu với mức giá hấp dẫn. Do vậy, lượng nhà đầu tư tìm đến các công ty chứng khoán mở tài khoản giao dịch vì thế mà tăng vọt. Trong 3 tháng qua, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới ước đạt gần 100.000, thể hiện sự lạc quan của lớp nhà đầu tư mới. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, 3 tháng qua có gần 100.000 tài khoản mở mới. Trong đó, tháng 3 là 31.949 tài khoản và tháng 4 là 36.721 tài khoản.

    Về xu hướng dòng tiền: Dòng tiền mới đổ vào thị trường vẫn rất lớn khi tiếp tục bùng nổ so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh tuần vừa qua đạt 5.218 tỷ đồng, tăng 8,17 % so với tuần trước. Thanh khoản nhóm Smallcap và nhóm Midcap đã tăng mạnh với mức tăng lần lượt 27,8% và 10,3%, bên cạnh đó dòng tiền cũng đổ vào các nhóm ETF khi nhóm VN Diamond tăng 15,8%, nhóm Finlead tăng 10,9%, nhóm Finselect tăng 10,3%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn đầu với tỷ trọng chiếm 26,7% toàn thị trường, tiếp theo là các nhóm khác như: xây dựng và vật liệu xây dựng (18,6%), nhóm Vingroup chiếm 8,4% và thực phẩm chiếm 7,3%..

    Về giao dịch của khối ngoại: Mặc dù khối ngoại tiếp tục giữ mức bán ròng với giá trị thấp trong tuần này nhưng đã mua ròng thông qua khớp lệnh cho thấy tín hiệu tích cực đối với thị trường. Bên cạnh đó, số lượng nhóm ngành được mua ròng nhiều hơn trong tuần này. Theo đó, trong tuần vừa qua họ đã bán ròng tổng cộng 251,7 tỷ đồng, tuy nhiên đã mua ròng thông qua khớp lệnh là 126,5 tỷ đồng.

    Ở nhóm 3 chỉ số ETF, tuần vừa qua nhóm Diamond tiếp tục mua ròng 107 tỷ trong khi tuần trước mua 82 tỷ, bên cạnh đó ở 2 nhóm FinLead và FinSelect mua bình quân còn 125 tỷ trong khi tuần trước đó mua ròng 200 tỷ đồng.

    Về dòng vốn đầu tư quốc tế: Mạch mua ròng của NĐTNN đã trở lại nhiều hơn như tại Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, Thái Lan…. Ở thị trường trong nước, dòng vốn đầu tư quốc tế qua kênh ETF đã tiếp tục mua ròng mạnh trong tuần vừa qua nhờ ETF Finlead và VFMVN30 ETF, đặc biệt quỹ bán ròng nhiều nhất đã quay lại mua ròng là quỹ VanEck trong khi không bán ròng ở quỹ nào.

    Kết Luận: Trong tuần trước chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại : CHƯA THỂ LÀ PHÂN PHỐI VÀ ĐÀ TĂNG VẪN CÒN. Kịch bản rướn lên 880 890 như chúng tôi kỳ vọng. Quý vị có thể theo dõi bản tin tuần trước tại (https://cophieu86.com/market-strategy-weekly-01-06-05-06-2020-phan-hoa-dinh-huong-dong-tien/). TTCK trong 2 tháng qua đã phản ánh xa vời hơn so với các yếu tố cơ bản. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giới đầu tư học được là nên bỏ qua những phân tích ước tính lợi nhuận thông thường và thay vào đó là tập trung vào dòng tiền bơm vào thị trường. Các ngân hàng trung ương cũng đã học được bài học này sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Chứng khoán toàn cầu tiếp tục đi lên khi nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi của nền kinh tế nhờ việc mở cửa trở lại của nhiều quốc gia cùng các gói kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ, nhiều chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang lấy lại những gì đã mất kể từ đầu năm. Bên cạnh đó, khi tình hình thế giới chưa có sự biến động mạnh từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang hay các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, trong khi giới đầu tư đang kỳ vọng triển vọng kinh tế thế giới khi ngày càng nhiều quốc gia tiến tới tái mở cửa. Hiệu ứng tích cực về thị trường lao động Mỹ sẽ tạo cú hích về mặt tâm lý trong tuần tới, đà tăng sẽ lan tỏa và mang lại hy vọng cho thị trường sẽ tiếp tục đi lên.

    Một lần nữa – các ngưỡng điều chỉnh dự báo của thị trường lại không thể khiến thị trường điều chỉnh sâu mà ngược lại TTCK vẫn trụ vững trên mốc 880 điểm. VN-Index vẫn từ tốn đi lên, dòng tiền không những liên tục đổ vào thị trường mà còn có sự đồng thuận và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Đây cũng là đợt hồi phục với quán tính mạnh mẽ kể từ đỉnh ngắn hạn và dường như thị trường chưa gặp phải trở ngại nào đáng kể trong các phiên tăng vừa qua. Nhà đầu tư chấp nhận vào hàng kể cả khi lượng hàng T+ được giải phóng cho thấy kỳ vọng đã lạc quan hơn và tâm lý tích cực hiện tại là cơ sở để thị trường còn tiếp tục tăng tiếp. Các mốc kháng cự sinh ra là để phá vỡ và chúng ta cũng phải nên sẵn sàng cho những bất ngờ mới.

    Về mặt thông tin, trong hai tuần tới là thời điểm tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs trong đó FTSE Vietnam Index loại PDR khỏi danh mục trong kỳ cơ cấu quý 2/2020. Trong khi đó VanEck Vectors Vietnam ETF gần như giữ nguyên và chỉ thay đổi tỷ trọng danh mục. Các cổ phiếu có thể chịu áp lực bán nhẹ như VNM, PLX, MSN, VRE, PDR, SSI…

    Tiền đang tập trung mạnh vùng này, đang có định hướng đến một số ngành hưởng lợi cụ thể và phân hóa chứ ko lên đồng loạt như giai đoạn trước :Game chuyển sàn, chia chác; Dòng chứng khoán dự phóng kết quả kinh doanh tốt hay lợi nhuận tự doanh; Dòng bds khu công nghiệp càng nóng lên; ngành vật liệu xây dựng với đầu tư công…..Tin nóng từ đại hội cổ đông các công ty (chưa năm nào đặt kế hoạch nhẹ nhàng như năm nay).

    Chúng ta không nên đoán đỉnh đoán đáy, qua đỉnh mới thấy đỉnh hãy để mọi thứ tự nhiên, tài khoản của quý vị cũng nên để gia tăng tự nhiên. Không có lý do gì để thị trường đảo chiều ngay lúc này. Ai lướt sóng ngắn theo kỹ thuật tranh thủ các nhịp nhỏ của thị trường phụ thuộc vào trường phái chiến lược của từng người. Đây cũng là thời điểm dành cho những cổ phiếu, ngành có câu chuyện riêng, Trồng cây gì nuôi con gì mới là quan trọng! Hãy tiến hành chiến lược bottom up để sàng lọc các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư giá trị. Hãy đầu tư vào các doanh nghiệp triển vọng hơn là việc cố gắng dự báo thị trường đang đi đâu về đâu.

    Các kích bản thị trường trong tuần tới:

    Kịch bản 1 (lạc quan 70%): VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng hướng đến vùng kháng cự mạnh 915 -920 điểm.

    Kịch bản 2 (Thận trọng 30%): Chỉ số VN-Index điều chỉnh sideway quanh ngưỡng 860- 880 điểm.

    Chiến lược đầu tư:. Đối với một số khách hàng của chúng tôi chia sẻ riêng bắt đáy vùng 670 660 thì đến nay, Tiếp tục nắm giữ và để cho lãi chạy nên có sẵn các kịch bản để ứng xử phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng nào khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để. Chốt lời danh mục cổ phiếu Bluechips đã tăng nhiều trong thời gian qua, chỉ xem xét nắm giữ những cổ phiếu trụ cột có tín hiệu dòng tiền mạnh và tác động tích cực tới index. Đối với NĐT mới, Hạn chế mua đuổi trong những phiên tăng giá và sử dụng tỷ lệ margin cao, tuân thủ chặt chẽ quy tắc cắt lỗ để bảo toàn trạng thái tài khoản.

    Danh mục cổ phiếu chúng tôi theo dõi gồm: Nhóm Công nghệ: FPT, VGI, CTR; Thực phẩm: LTG, MSN, VOC, VLC; Dầu khí: PVD, PVS, GAS, PVT.; Dược phẩm: IMP, Vật liệu xây dựng: HPG, KSB; Hưởng lợi giá dầu giảm: DRC, BMP, AAA; phân bón: DCM DPM, BFC; Ngân hàng: ACB STB CTG; BĐS khu CN: PHR, SZC. Thủy sản : MPC, VHC, nhóm Vinachem thoái vốn: CSV, DGC,…

    Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy ( CLTT MBS), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.

    THỊ TRƯỜNG LÊN AI CŨNG LÀ CHUYÊN GIA PHÍM HÀNG, DO VẬY CHÚNG TÔI SẼ KHÔNG CÔNG BỐ DANH MỤC, KHI NÀO TT GẶP KHÓ CHÚNG TÔI SẼ LÊN DANH MỤC. ĐỂ CÓ CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH MUA BÁN TỪNG CỔ PHIẾU, QUẢN TRỊ DANH MỤC THÌ XIN LIÊN HỆ VÀO HOTLINE.

    Xin chân thành cảm ơn!

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

     

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn