Ước tính tác động đến kinh tế thế giới.
Dịch Covid-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu và đang bùng phát tại khu vực Âu Châu, Hàn Quốc, Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá dịch bệnh có khả năng tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô toàn cầu. Theo đánh giá của IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm về mức 2.1% trong năm 2020 so với mức tăng 3% của năm ngoái. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá mức độ ảnh hưởng có thể mạnh hơn khiến tăng trưởng toàn cầu xuống dưới mức 2% do động lực tăng trưởng tại các khu vực EU, TQ, Nhật Bản và Mỹ đã suy giảm từ năm trước.
Chúng tôi đánh giá, Kinh tế TQ sẽ có quý 1 tăng trưởng rất thấp do sản xuất đình trệ (PMI sản xuất xuống dưới mức 30 điểm) trước khi phục hồi vào các quý sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát kể từ tháng 3. Chốt năm 2020, tăng trưởng GDP của TQ sẽ dưới mức 5%.
Kinh tế Nhật Bản sẽ bước vào một đợt suy thoái kỹ thuật khi quý 4 năm 2019 đã suy giảm và sẽ suy giảm tiếp vào quý 1 năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng gần mức 0% vào năm 2020.
Kinh tế EU nhiều khả năng sẽ suy thoái nhẹ do dịch bệnh sẽ bùng phát hạn chế sản xuất và thương mại trong 2 tháng tới. Kinh tế khu vực EU có thể tăng trưởng âm nhẹ hoặc gần mức 0% trong năm 2020.
Kinh tế Mỹ hiện tại khá mạnh mẽ trong hai tháng đầu năm song với sự suy giảm kinh tế chung toàn cầu, Mỹ cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng và do đó ước tính tăng trưởng giảm về mức 1.5% trong năm 2020.
Ước tính tác động đến kinh tế Việt Nam.
Tác động của dịch Covid 19 đến kinh tế Việt Nam là đáng kể trong năm 2020. Các tác động nặng nhất sẽ vào các lĩnh vực du dịch và hàng không. Ngoài ra do sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu nên các lĩnh vực xuất khẩu của sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2020.
Lĩnh vực du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong thời điểm dịch bệnh tăng cao từ tháng 2 đến hết tháng 4 ( theo dự đoán của chúng tôi) lượng khách du lịch nước ngoài sẽ giảm 50%, khách du lịch nội địa sẽ giảm khoảng 30-50%. Tổng cục du lịch ước tính thiệt hại về doanh thu khoảng 5-7 tỷ USD, tuy nhiên chúng tôi cho rằng sức cầu sẽ tăng trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát và do đó thiệt hại sẽ ở mức khoảng 3 tỷ USD.
Lĩnh vực hàng không hiện đã phải giảm khoảng 40-50% chuyến bay cả quốc tế lẫn nội địa ước tính thiệt hại sẽ khoảng 1 tỷ USD theo đánh giá của các công ty hàng không.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đã giảm và chỉ đạt mức 2.4% so với mức 7% ước tính trước đó. Chúng tôi đánh giá xuất khẩu sẽ phục hồi khi dịch bệnh được kìm chế và có thể tăng 6% trong năm nay. Tham chiếu kim ngạch xuất khẩu của năm 2019 là 264 tỷ USD thì mức độ ảnh hưởng sẽ là khoảng 2.64 tỷ USD. Tuy nhiên mức ảnh hưởng đến GDP sẽ nhẹ hơn do nhiều nguyên liệu của hàng xuất khẩu xuất sứ từ nước ngoài chúng tôi tạm tính mức phần trăm là 65%, và mức GDP suy giảm do xuất khẩu giảm sẽ là 1.7 tỷ USD. Như vậy tổng mức suy giảm GDP trực tiếp do dịch bệnh là 5.7 tỷ USD.
Sự suy giảm ở các lĩnh vực này sẽ kéo theo sự suy giảm tại các lĩnh vực khác do ảnh hưởng bởi cầu suy giảm. Mức độ tác động rất khó đánh giá tuy nhiên chúng tôi tạm tính hệ số là 1.45 lần.
Như vậy tổng mức suy giảm GDP trong năm nay dự kiến là 1.45*5.7= 8.8 tỷ USD. So sánh với quy mô GDP dự kiến của Việt Nam (mức GDP đã được tính lại) là khoảng 320 tỷ USD. Mức độ suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế là khoảng 2.75%. Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN Việt Nam trong năm 2020 chắc chắn sẽ tung ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế như giảm lãi suất và giãn hoãn thuế cho các doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đánh giá mức tăng trưởng GDP sẽ vẫn đạt mức trên 5% trong năm nay.
Chúng tôi lưu ý các nhà đầu tư rằng mặc dù tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2020 sẽ suy giảm song các cân đối vĩ mô vẫn cơ bản được giữ vững. Tình trạng khó khăn về kinh tế sẽ nhẹ hơn nhiều so với các thời điểm năm 2007-2008 và 2010-2011 trước đây khi Việt Nam vừa chịu suy giảm tăng trưởng vừa chịu lạm phát cao và VND mất giá mạnh.
Ước tính ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam và Thế giới.
Chúng tôi đánh giá sẽ xuất hiện một đợt suy thoái tại EU và Nhật Bản và suy giảm tăng trưởng nặng tại Mỹ và TQ, do đó TTCK toàn cầu sẽ suy giảm mạnh mẽ. Tham khảo mức độ suy giảm của các TTCK so với mức đỉnh khi xảy ra suy thoái hoặc khủng hoảng như sau:
Tham chiếu các trường hợp trên chúng ta thấy rằng:
TTCK sẽ có khả năng suy giảm cực mạnh từ 50% -70% nếu kinh tế vĩ mô gặp một cuộc khủng hoảng với sự sụt giảm mạnh tăng trưởng, kèm theo bất ổn vĩ mô và bong bóng tài sản như chứng khoán và bất động sản trước đó đã được định giá quá cao.
TTCK sẽ có khả năng suy giảm 25- 36% trong một đợt suy thoái nhẹ bình thường với tăng trưởng GDP suy giảm song các cân đối vĩ mô như lạm phát và tỷ giá không biến động quá nghiêm trọng đồng thời bong bóng chứng khoán không được bơm lên trước đó.
Với trường hợp của Việt Nam, bối cảnh năm 2020 nền kinh tế có khó khăn do các tác động bên ngoài song các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững với lạm phát được kìm chế, tỷ giá ổn định và cán cân thanh toán đang thặng dư. TTCK đã giảm nhiều vào năm 2018 nên trong năm 2020 không hề có tình trạng bong bóng. Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế thế giới là suy thoái, suy giảm tăng trưởng chứ chưa ở mức khủng hoảng.
Do đó, chúng tôi đánh giá TTCK Việt Nam năm 2020 có khả năng giảm tối đa so với mức đỉnh VNindex đầu năm 1035 điểm là 35%. Mức điểm đáy của VNindex dự kiến tối đa là 670 – 680 điểm.
Khuyến nghị.
Tham khảo kinh nghiệm quá khứ sau một năm suy thoái TTCK sẽ phục hồi mạnh mẽ trong dài hạn và xu hướng đi lên từ đáy sẽ bền vững và kéo dài từ 2- 3 năm do đó tại thời điểm này nên có suy nghĩ và tầm nhìn dài hạn.
Quá trình ổn định và phục hồi của nền kinh tế sẽ cần thời gian, mức độ biến động của TTCK sẽ rất khó đoán do TTCK xảy ra hiện tượng giải chấp tại một số mã cổ phiếu có dư nợ cao do đó rủi ro ngắn hạn cao.
Do đó, đầu tư có tầm nhìn dài hạn cần hạn chế sử dụng đòn bẩy cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tập trung vào các công ty blue chip có vị thế đầu ngành. Các cổ phiếu này sẽ hồi phục nhanh nhất và hút dòng tiền nhất khi TTCK phục hồi. Các mã cổ phiếu của các công ty yếu sẽ có lợi nhuận suy giảm sâu trong năm 2020 do đó sẽ không tăng trong sóng phục hồi đầu tiên.
Sử dụng đòn bẩy mạnh mẽ để trading khi thị trường phục hồi, giữ nguyên danh mục các mã cổ phiếu hàng đầu đã được mua với giá vốn thấp bằng vốn chủ sở hữu trong 2-3 năm chỉ bán và trading phần đã mua bằng vốn vay.
Nguồn: CLTT MBS.
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================