VEAM: KQKD Q1/2019 khả quan với lợi nhuận tăng 22,3% so với cùng kỳ

VEAM: KQKD Q1/2019 khả quan với lợi nhuận tăng 22,3% so với cùng kỳ

Lượt xem:1595 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • VEAM đã công bố KQKD Q1/2019 khả quan với lợi nhuận tăng 22,3% so với cùng kỳ – VEA đã công bố LNST đạt 1.271 tỷ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ) mặc dù doanh thu thuần giảm 35,3% so với cùng kỳ xuống còn 1.125 tỷ đồng. Kết quả này đạt được nhờ lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tăng 14,2% so với cùng kỳ đạt 1.209 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu HĐ tài chính tăng mạnh lên 176,6 tỷ đồng từ 22 tỷ đồng trong Q1 năm ngoái nhờ Công ty đã tái cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi như đã đề cập trong báo cáo trước.

    Trong Q1 năm nay, doanh thu thuần giảm 35,3% so với cùng kỳ xuống còn 1.125 tỷ đồng và lợi nhuận gộp giảm xuống chỉ còn 38 tỷ đồng (giảm 63,5% so với cùng kỳ) – Mảng kinh doanh cốt lõi của VEA chủ yếu tập trung vào xe tải VEAM, máy nông nghiệp…. Trong kỳ, VEA đã tiêu thụ được 262 xe tải VEAM (Q1 năm ngoái là 163 xe). Tuy nhiên mảng kinh doanh này đã gặp phải một số khó khăn do hầu hết hàng tồn kho là xe tải tiêu chuẩn Euro2 có giá trị bị giảm xuống. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận của xe theo tiêu chuẩn cũ sẽ giảm dần.

    Lợi nhuận tài chính tăng mạnh lên 170,8 tỷ đồng từ chỉ 17,9 tỷ đồng trong Q1 năm ngoái chủ yếu nhờ tiền gửi được quản trị tốt hơn nhờ có quyền TGĐ mới – Như đã đề cập trong báo cáo trước đây của chúng tôi, VEA đã tích cực tái cơ cấu lại các khoản tiền gửi. Một số kỳ hạn của các khoản tiền gửi đã được nâng lên 12 tháng thay vì chỉ 1-3 tháng như trước đây. Tại thời điểm ngày 31/3/2019, tiền gửi đã tăng mạnh lên 10,3 nghìn tỷ đồng (tăng 7,3% so với đầu năm). Theo đó doanh thu HĐ tài chính Q1/2019 đạt 176,6 tỷ đồng trong khi Q1/2018 chỉ là 22 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính cũng tăng 41,5% so với cùng kỳ lên 5,8 tỷ đồng chủ yếu do chi phí tài chính tăng 62,9% so với cùng kỳ lên 5,7 tỷ đồng.

    Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tăng 14,2% so với cùng kỳ – VEA hạch toán 1.209 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết trong Q1 năm nay với thông tin chi tiết như dưới đây.

    Toàn ngành ô tô trong Quý 1 năm nay, doanh số tiêu thụ đạt 73.297 xe (tăng 25,2% so với cùng kỳ), trong đó xe du lịch tăng mạnh 43,3% so với cùng kỳ còn xe thương mại giảm 7,8% so với cùng kỳ xuống còn 15.802 xe. Doanh số xe du lịch tăng mạnh chủ yếu nhờ doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh, đạt 31.999 xe (tăng 233,8% so với cùng kỳ) trong khi xe lắp ráp trong nước giảm 7,5% so với cùng kỳ còn 46.253 xe. Lý do chính khiến doanh số xe nhập nguyên chiếc tăng được đề cập dưới đây.

    Trong 6 tháng đầu năm ngoái, doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc bị ảnh hưởng do có những quy định mới chặt chẽ hơn về xe nhập khẩu. Cụ thể, Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 đã siết chặt quy định kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu về mặt nguồn gốc xuất sứ, loại xe, an toàn kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ môi trường. Do vậy, trong nửa đầu năm 2018, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm mạnh xuống mức rất thấp vì các hãng nhập khẩu xe phải xin giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, do cơ quan quản lý tại nước xuất khẩu cấp. Nếu không có những chứng nhận trên, đơn vị nhập khẩu phải xin chứng nhận cho từng mục riêng lẻ về chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho ô tô và động cơ.

    VEA đã công bố LNST Q1/2019 đạt 1.271 tỷ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ) mặc dù doanh thu thuần giảm 35,3%

    1. Hoạt động kinh doanh của Honda Việt Nam: Trong Q1/2019, Honda ghi nhận doanh thu đạt 23 nghìn tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ) và LNST đạt 3.104 tỷ đồng (tăng 4,3% so với cùng kỳ). Doanh thu tăng mạnh chủ yếu nhờ doanh số tiêu thụ ô tô tăng mạnh. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận của mảng ô tô lại thấp hơn mảng xe máy nên lợi nhuận tăng ít hơn doanh thu.

    Mảng xe máy – Honda tiêu thụ được 562.938 xe, giảm nhẹ 1,1% so với mức cao kỷ lục trong Q1/2018.

    Mảng ô tô – Honda tiêu thụ được 8.687 xe (tăng 143,5% so với cùng kỳ) và nâng được thị phần lên 11,9% từ chỉ 6,1% trong cùng kỳ năm ngoái và 9,8% trong năm 2018. Mẫu xe bán chạy nhất của Honda là CR-V và City.

    Tỷ suất lợi nhuận thuần giảm từ 15,2% trong Q1 năm ngoái xuống còn 13,5%; chủ yếu do cơ cấu doanh thu kém hiệu quả hơn – Chúng tôi thấy tỷ suất lợi nhuận gộp bình quân mảng ô tô thường khoảng 15% trong khi mảng xe máy là khoảng 30%. Hiện tại, chưa có cơ cấu đóng góp doanh thu từng mảng trong phân khúc xe ô tô, nhưng chúng tôi cho rằng tỷ trọng đóng góp của mảng ô tô tăng trong kỳ. Và hầu hết xe Honda tiêu thụ tăng lên là xe nhập khẩu nguyên chiếc.

    2. Hoạt động kinh doanh của Toyota Việt Nam: Trong Q1/2019, doanh thu của Toyota tăng ấn tượng, đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ) và LNST đạt 1.044 tỷ đồng (tăng 37,9% so với cùng kỳ). Doanh thu lợi nhuận tăng mạnh nhờ doanh số bán xe tăng.

    – Toyota tiêu thụ được 18.967 xe (tăng 51,8% so với cùng kỳ) và nâng được thị phần lên 25,9% từ chỉ 21,3% trong cùng kỳ năm ngoái và 24% trong năm 2018.

    – Chúng tôi tin rằng doanh số bán xe nhập khẩu nguyên chiếc trong Q1 tốt hơn doanh số bán xe lắp ráp. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận của xe nhập khẩu nguyên chiếc thường thấp hơn xe lắp ráp. Sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm đã khiến tỷ suất lợi nhuận thuần giảm trong kỳ. Tỷ suất lợi nhuận thuần của Toyota giảm từ 12% trong Q1 năm ngoái xuống còn 10,4%.

    3. Hoạt động kinh doanh của Ford Việt Nam: Trong Q1 năm nay, Ford tiêu thụ được 7.500 xe (tăng 38,8% so với cùng kỳ) và nâng được thị phần lên 10,2% từ chỉ 9,2% trong cùng kỳ năm ngoái và 8,9% trong năm 2018. Ước tính LNST của Ford trong Q1/2019 khoảng 250 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức chỉ 60 tỷ đồng trong Q1 năm ngoái.

    Cuối cùng, LNTT và LNST lần lượt đạt 1.291 tỷ đồng (tăng 23,4% so với cùng kỳ) và 1.271 tỷ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ) – nhờ lợi nhuận từ liên doanh tăng mạnh 14,2% và tiền gửi được quản lý hiệu quả hơn. Chi phí bán hàng & quản lý là 124,6 tỷ đồng (giảm 9,3% so với cùng kỳ) do doanh thu thuần giảm.

    P/E mục tiêu năm 2019 là 9 lần

    Những vấn đề cần lưu ý

    1. Vấn đề về hàng tồn kho: Trên BCTC kiểm toán năm 2018 được công bố gần đây, chúng tôi thấy Công ty chưa hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Chúng tôi vẫn theo dõi vấn đề này và sẽ cập nhật thêm khi có thông tin.

    – Vào cuối năm 2017, công ty có khoảng 5.288 xe tồn kho gồm 2.604 xe tải Hyundai, 2.494 xe tải VEAM và 190 xe MAZ. Toàn bộ xe tồn kho này đều đạt tiêu chuẩn Euro 2. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô chạy bằng xăng dầu phải áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 từ đầu năm 2018.

    – Do đó, tốc độ tiêu thụ của số xe tải theo tiêu chuẩn Euro 2 này gặp khó khăn và không có nhiều thay đổi về cả số lượng và giá trị tồn kho sau 9 tháng. Cụ thể, đến cuối tháng 9/2018, số tồn kho này có giá trị 2,2 nghìn tỷ đồng với tổng 4.601 xe gồm 1.977 xe Hyundai và 2.473 xe VEAM.

    – VEA bán được 1.763 xe Hyundai và phần lớn được tiêu thụ trong tháng 12/2018. Đến cuối năm 2018, công ty vẫn còn 3.057 xe (giảm 42,2%) trong kho, gồm 214 xe Hyundai (giảm 91,8%), 151 xe MAZ (giảm 20,5%) và 2.692 xe VEAM (tăng 7,9%).

    – Do đó, giá trị tồn kho của số xe này là khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng (giảm 53,3% so với cùng kỳ).

    – Ước tính trong năm 2018 Công ty nhiều khả năng phải trích lập khoảng 180 tỷ đồng dự phòng liên quan đến tồn kho xe tải VEAM và MAZ, tương đương khoảng 10-15% giá trị sổ sách của số tồn kho này. Tuy nhiên, trên BCTC kiểm toán năm 2018, Công ty chưa trích lập dự phòng liên quan đến những xe tải theo tiêu chuẩn Euro 2.

    2. Vấn đề về nghĩa vụ thuế nhập khẩu phải nộp: Trong Q1, Công ty chưa hạch toán nhiều chi phí liên quan đến nghĩa vụ thuế nhập khẩu phải nộp.

    – Vào ngày 15/3/2019, đã nhận được Quyết định của Cục hải quan thành phố Hà Nội về việc khai sai mã HS, diễn ra trong thời gian trước khi IPO. Chúng tôi được biết VEA phải nộp tổng cộng 353 tỷ đồng do tính nhầm thuế nhập khẩu phụ tùng/linh kiện lắp ráp trong giai đoạn 2016-2017. Công ty đã nộp 173 tỷ đồng trong thời gian 2016-2017 và còn phải nộp 180 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019. Số thuế này đã có thuế VAT nhưng chưa bao gồm tiền phạt nộp chậm do khai sai thuế.

    Phần thuế phát sinh thêm sẽ được hạch toán dưới hai hình thức khác nhau, cụ thể như sau.

    – Phần thuế phát sinh thêm (xấp xỉ 90-100 tỷ đồng) trong năm 2016 (trước IPO) sẽ được hạch toán hồi tối trong bảng cân đối kế toán của VEA năm 2016, trong đó điều chỉnh tăng các khoản phải thu Nhà nước và tăng thuế phải nộp. Và sẽ không ảnh hưởng đến báo cáo KQKD năm 2016.

    – Phần thuế phát sinh thêm khoảng 64 tỷ đồng (không bao gồm thuế VAT) (phát sinh trong năm 2017 và sau ngày IPO) sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí trên báo cáo KQKD năm 2019.

    – Ngoài ra, nhiều khả năng Công ty sẽ phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế là 47 tỷ đồng và 35 tỷ đồng phạt do tính nhầm thuế.

    – Trong kịch bản tốt nhất và xấu nhất, Công ty sẽ lần lượt phải hạch toán 110 tỷ đồng hoặc 145 tỷ đồng vào chi phí vì sau khi IPO nghĩa vụ này thuộc về công ty cổ phần. Về việc điều chỉnh bảng cân đối kế toán, nghĩa vụ thuế phải nộp sẽ tăng lên và lợi nhuận chưa phân phối sẽ giảm xuống.

    Năm 2019, dự báo doanh thu đạt 7.424 tỷ đồng (tăng trưởng 5%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 7.618 tỷ đồng (tăng trưởng 8,1%).

    Cho năm 2019, chúng tôi duy trì dự báo doanh thu đạt 7.424 tỷ đồng (tăng trưởng 5%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 7.618 tỷ đồng (tăng trưởng 8,1%).

    – Dự báo Honda Vietnam sẽ đạt doanh thu thuần và LNST lần lượt là 116,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 8,6%) và 19,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 4,4%) trước hiệu ứng nền so sánh cao. Phần lợi nhuận dành cho VEA là 5.922 tỷ đồng (tăng 4,4%). Doanh số bán xe máy và ô tô lần lượt đạt 2,7 triệu chiếc (tăng 5%) và 30.621 chiếc (tăng 13%). Chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp của Honda Việt Nam sẽ giảm nhẹ từ 30,4% xuống 29,6%.

    – Chúng tôi dự báo LNST năm 2019 của Toyota Vietnam sẽ tăng trưởng 21,3% đạt 4.963 tỷ đồng với doanh thu dự báo đạt 41,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 16%). Phần lợi nhuận dành cho VEA là 993 tỷ đồng (tăng 21,3%). Giả định ở đây là doanh số tiêu thụ xe ô tô đạt 74.856 xe (tăng 12,7%) và tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 18,5% từ 17,8% của năm ngoái.

    – Dự báo LNST của Ford Vietnam đạt 1.323 tỷ đồng (tăng trưởng 15%) với doanh số tiêu thụ tăng 13,5%. VEA nắm 25% cổ phần Ford Vietnam và sẽ hợp nhất 331 tỷ đồng từ đây vào lợi nhuận của mình (tăng 15%) trong năm nay.

    – Chúng tôi dự báo VEA sẽ tiếp tục trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tồn từ năm ngoái. Dự báo khoản dự phòng này có thể là 200 tỷ đồng.

    – Tiền mặt được quản lý tốt hơn có thể giúp tăng doanh thu HĐ tài chính. Dự báo doanh thu HĐ tài chính đạt 655,2 tỷ đồng (tăng 57,5%), lợi nhuận tài chính dự báo đạt 572,5 tỷ đồng (tăng 69,9%).

    – Tóm lại, chúng tôi dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ trong năm 2019 đạt 7.579 tỷ đồng (tăng trưởng 8,1%). Giả định số lượng cổ phiếu lưu hành không thay đổi, thì EPS năm 2019 sẽ đạt 5.646đ; P/E dự phóng đạt 8,7 lần.

    – Nếu tính cả nghĩa vụ thuế phải nộp, ước tính LNST năm 2019 sẽ giảm từ 1,4% đến 1,9%; còn 7.436 tỷ đồng đến 7.470 tỷ đồng (tăng 6,1% đến 6,6%) và EPS điều chỉnh lại khi đó từ 5.540đ đến 5.566đ. Tại thị giá hiện tại, P/E sẽ từ 8,8-8,9 lần. Hiện chúng tôi đang chờ thông tin cuối cùng về cách hạch toán các khoản trên và sẽ cập nhật thêm khi có thông tin.

    Kết luận đầu tư – Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 49.860đ, tương đương P/E mục tiêu năm 2019 là 9 lần. Triển vọng tương lai của công ty vẫn rất hứa hẹn nhờ cơ cấu danh mục sản phẩm ở mảng xe máy tốt hơn và mảng ô tô cũng tăng trưởng tốt. Nguồn tiền gửi được quản lý tốt hơn cùng với sự cải thiện về lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh chính cũng giúp hỗ trợ lợi nhuận. Trong 3 năm tới, dự báo lợi nhuận của VEA sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân là 9,7% trước tác động nền so sánh cao đối với KQKD của Honda trong năm 2018. Mức độ thâm nhập của xe tay ga tăng sẽ tiếp tục giúp Honda Việt Nam nâng cao lợi nhuận trong một thị trường đã bão hòa. Trong khi đó lợi nhuận từ Toyota và Ford sẽ cải thiện dần từ năm 2019 trở đi nhờ doanh số tiêu thụ ô tô tăng ở tốc độ 2 con số.

    (Theo HSC)

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn