LNTT năm 2017 của BID vượt kỳ vọng với mức tăng trưởng đạt 14,17%. Theo đó LNTT đã vượt kế hoạch ban đầu của Ngân hàng là 7.750 tỷ đồng. Triển vọng không thực sự khả quan do vấn đề pha loãng và các vấn đề khác.
BID đã công bố KQKD hợp nhất chưa kiểm toán với LNTT đạt 8.800 tỷ đồng (tăng trưởng 14,17%) mặc dù Ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng (chi phí trích lập dự phòng tăng 62,14%). Kết quả đạt được phần nào là nhờ tỷ lệ NIM cải thiện đáng kể (từ 2,74% lên 2,99%) và chi phí hoạt động tăng chậm lại (chỉ tăng 13,62% trong khi năm 2016 tăng 22%).

Giá cổ phiếu BID đã tăng 79,57% trong năm 2017 và từ đầu năm 2018 đến nay cũng đã tăng 28,43%. Chúng tôi dự báo LNTT năm 2018 tăng trưởng 12,31%. BID đã có những tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng tài sản nhưng vẫn còn nhiều khoản cho vay DNNN không hiệu quả cộng với khoảng 10.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC chưa được trích lập dự phòng. Theo đó chi phí dự phòng của BID sẽ ở mức cao trong vài năm tới, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Bên cạnh đó, Ngân hàng đang có áp lực phải tăng vốn do hệ số CAR tính theo Basel 1 đã ở mức thấp trong một thời gian khá dài. Theo đó rủi ro pha loãng là rất cao. Chúng tôi giả định tăng trưởng cho vay khách hàng dạt 17% và tăng trưởng huy động khách hàng đạt 20%. Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ NIM sẽ ổn định, chi phí hoạt động sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt và chi phí dự phòng tăng lên mức cao (tăng 13,4%).
Cho vay khách hàng tăng tốt – Cho vay khách hàng tăng trưởng 19,66% và đạt 866 nghìn tỷ đồng. Dự báo của chúng tôi dựa trên giả định là BID sẽ kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng do hệ số CAR thấp. Về kỳ hạn:
• Cho vay kỳ hạn ngắn tăng 26,61% đạt 502,43 nghìn tỷ đồng (tỷ trọng trong tổng dư nợ tăng lên 58,02%).
• Cho vay trung dài hạn tăng 11,23% đạt 363 nghìn tỷ đồng (đóng góp 42,98% tổng dư nợ).
BID có tỷ lệ vốn vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn vào khoảng 40,72% tại thời điểm cuối Q3/2017. Theo đó, Ngân hàng không còn lựa chọn nào khác ngoài tập trung đẩy mạnh cho vay kỳ hạn ngắn để tránh tỷ lệ trên không tiếp tục tăng lên. Theo đó cho vay các doanh nghiệp làm vốn lưu động đóng góp nhiều. Về loại tiền:
• Cho vay khách hàng bằng tiền đồng tăng 17,31% đạt 772,93 nghìn tỷ đồng, đóng góp 89,25% tổng dư nợ (năm 2016 là 91,04%).
• Cho vay khách hàng bằng USD tăng 43,56% đạt 93,06 nghìn tỷ đồng, đóng góp 10,75% tổng dư nợ (năm 2016 là 8,96%).
Do BCTC Q4 chưa công bố thông tin về đối tượng và lĩnh vực cho vay nên chúng tôi chỉ có thể giả định là động lực tăng trưởng cho vay chính vẫn là cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ làm vốn lưu động và cho vay khách hàng cá nhân giống như ở các ngân hàng khác. Trong BCTC Q3/2017 của BID, cho vay khách hàng cá nhân tăng 33% so với đầu năm, cho vay DNNVV tăng 31%. Đối với cho vay khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo chiếm 40%, cho vay mua nhà chiếm 34-35%, cho vay hộ kinh doanh nhỏ chiếm 24%, cho vay mua xe & cho vay thẻ tín dụng chỉ chiếm 2%.
Tiền gửi khách hàng tăng trưởng 18,42% đạt 859 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do tăng trưởng tín dụng cao hơn dự báo, hệ số LDR thực tế vẫn tăng lên 100,7%. Hệ số LDR của Ngân hàng duy trì ở mức cao trong vài năm qua do BID tập trung vào cải thiện tỷ lệ NIM hơn là hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Theo kỳ hạn:
• Tiền gửi có kỳ hạn tăng trưởng 16,39% đạt 693,87 nghìn tỷ đồng (chiếm 80,7% tổng tiền gửi khách hàng).
• Trong khi đó tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng 23,1% đạt 165,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,3% tổng tiền gửi khách hàng so với tỷ trọng 17,88% trong năm 2016).
Theo loại tiền:
• Tiền gửi khách hàng bằng VND tăng trưởng 17,96% đạt 809,21 nghìn tỷ đồng (chiếm 94,12% tổng tiền gửi so với tỷ trọng 94,49% trong năm 2016).
• Trong khi đó, tiền gửi khách hàng bằng USD tăng trưởng 26,46% đạt 50,57 nghìn tỷ đồng (chiếm 5,88% tổng tiền gửi so với tỷ trọng 5,51% trong năm 2016).
Tỷ lệ NIM tăng 0,25% lên 2,99%, so với mức 2,74% trong năm 2016. Tỷ lệ NIM tăng nhờ lợi suất gộp tăng (tăng 0,49% lên 7,59%) và tổng chi phí huy động chỉ tăng nhẹ (tăng 0,09% lên 4,67%).
Về các tài sản sinh lãi, lợi suất gộp cho vay khách hàng tăng 0,34% lên 8,14%, là mức lợi suất cho vay cao nhất kể từ năm 2014. BID tập trung trở lại vào đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân cho lợi suất cao trong năm 2017 và Ngân hàng thâm chí còn chuyển đổi một số chi nhánh thành chi nhánh chuyên về bán lẻ. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng tăng 0,3% lên 3,34% và lợi suất gộp đầu tư trái phiếu giảm 0,28% xuống 6,11%.
Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu trong tổng tài sản sinh lãi đều giảm, lần lượt xuống 75,33% (từ mức 77,32% trong năm 2016) và 14,38% (từ mức 16,06% trong năm 2016). Trong khi đó, tỷ trọng cho vay liên ngân hàng lại tăng từ 6,62% trong năm 2016 lên 10,29% trong năm 2017. Sự thay đổi này một phần là do hệ số LDR của Ngân hàng ở mức cao và các khoản vay liên ngân hàng có rủi ro thanh khoản thấp.
Về chi phí huy động, tổng chi phí huy động tăng nhẹ 0,09% lên 4,67%. Trong đó, chi phí huy động tiền gửi khách hàng tăng 0,08% lên 4,8% do tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tăng. Chi phí huy động liên ngân hàng giảm 0,14% xuống 2,68% và chi phí huy động giấy tờ có giá tăng 0,29% lên 6,99%.
Tổng thu nhập lãi thuần tăng trưởng 30,74%, đạt 31.036 tỷ đồng nhờ tỷ lệ NIM tăng 0,25% lên 2,99% và tổng tài sản sinh lãi tăng trưởng 22,83% đạt 1.149 nghìn tỷ đồng.
Tổng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng khiêm tốn 15,19%, đạt 8.062 tỷ đồng. Chênh lệch lớn giữa tổng thu nhập ngoài lãi thực tế và dự báo của chúng tôi đến từ thu nhập từ thu hồi nợ xấu thực tế, đạt 3.611 tỷ đồng, cụ thể:
• Lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng trưởng 19,03% đạt 2.986 tỷ đồng.
• Lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 24,85% đạt 700,65 tỷ đồng.
• Trong khi đó, lãi thuần mua bán & đầu tư chứng khoán giảm nhẹ 5,06% so với năm 2016 xuống 814 tỷ đồng.
• Thu nhập khác tăng mạnh 74,13% đạt 3.278 tỷ đồng chủ yếu nhờ đóng góp từ thu hồi nợ xấu (đạt 3.611 tỷ đồng, tăng trưởng 34,28%).
• Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần giảm mạnh 74,07% xuống 314 tỷ đồng do không còn khoản lãi không thường xuyên từ thoái vốn khỏi VID Public như trong năm 2017 (đã ghi nhận 804 tỷ đồng lãi không thường xuyên từ thoái vốn khỏi VID trong năm 2016).
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động đạt 39.084 tỷ đồng (tăng trưởng 28,24%).

Chi phí hoạt động tăng 13,66% – lên 15.368 tỷ đồng so với mức tăng 22% trong năm 2016. Trong đó, hầu hết chi phí hoạt động là chi phí liên quan đến nhân viên (tăng 12,76% lên 8.376 tỷ đồng). Mặc dù số lượng nhân viên giảm trong năm 2017 (còn 24.588 người so với 25.088 người vào thời điểm cuối năm 2016). Do đó, chi phí lương bình quân/nhân viên/tháng tăng 10,72% so với năm 2016 lên 28,17 triệu đồng.
Chi phí dự phòng tăng lên 14.790 tỷ đồng (tăng 59,49%), chủ yếu do chi phí dự phòng nợ xấu thông thường rất lớn (9,611 tỷ đồng, tăng 94,06% so với năm 2016). Mặc dù hiện chưa có nhiều thông tin cụ thể, chúng tôi vẫn giả định phần chi phí dự phòng còn lại là dự phòng trái phiếu VAMC (5.303 tỷ đồng, tăng 24,45%). BID đã xử lý 8.957 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017 (tăng 251%). Dự báo BID sẽ trích lập 14.738 tỷ đồng chi phí dự phòng trong năm 2017 và kết quả thực tế sát với dự báo của chúng tôi.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu sau xử lý giảm xuống 1,61% trong năm 2017, so với mức 2,10% vào thời điểm cuối năm 2016. Theo đó, tổng dư nợ xấu giảm 478 tỷ đồng xuống 13.950 tỷ đồng. Cụ thể:
• Nợ Nhóm 3 giảm 16,42% xuống 5.417 tỷ đồng (tương đương 0,63% tổng dư nợ).
• Nợ Nhóm 4 tăng gấp đôi, lên 3.327 tỷ đồng (tương đương 0,38% tổng dư nợ).
• Nợ Nhóm 5 giảm 24,69% xuống 5.204 tỷ đồng (tương đương 0,6% tổng dư nợ).
Hệ số LLR tăng lên 79,22% từ 69,75% vào thời điểm cuối năm 2016.
Theo đó, LNTT đạt 8.800 tỷ đồng (tăng trưởng 14,17%).
Cho năm 2018 dự báo LNTT tăng trưởng 12,31% đạt 9.884 tỷ đồng. Các giả định đằng sau dự báo của chúng tôi là:
(1) Chúng tôi dự báo cho vay khách hàng tăng 17% lên 1.013 nghìn tỷ đồng.
(2) Chúng tôi dự báo huy động khách hàng tăng trưởng 20% đạt 1.031 tỷ đồng.
(3) Theo đó, hệ số LDR giảm nhẹ xuống 98,2% từ 100,7% trong năm 2017.
(4) Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM tăng nhẹ 0,03% lên 3,02% từ 2,99% trong năm 2017. BID vẫn cần tăng cường huy động trung & dài hạn hơn nữa để cải thiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung & dài hạn do quy định đối với tỷ lệ này sẽ được thắt chặt hơn trong năm nay. Và do đó tỷ lệ NIM sẽ bị ảnh hưởng.
(5) Chúng tôi dự báo thu nhập lãi thuần tăng trưởng 20,68% đạt 37.438 tỷ đồng.
(6) Tổng thu nhập ngoài lãi dự báo giảm 12,77% xuống 7.033 tỷ đồng chủ yếu do chúng tôi giả định thu nhập từ thu hồi nợ xấu giảm (từ 3.278 tỷ đồng trong năm 2017 xuống 1.529 tỷ đồng trong năm 2018). Tuy nhiên, dòng thu nhập này thường khá biến động và có thể sẽ đạt cao hơn nhiều so với dự báo.
(7) Chúng tôi dự báo tổng chi phí dự phòng tăng 15% lên 17.673 tỷ đồng.
(8) Chúng tôi giả định BID sẽ vẫn rất quyết liệt trong công tác trích lập dự phòng trong năm nay. Và chúng tôi dự báo Ngân hàng sẽ trích lập 16.913 tỷ đồng chi phí dự phòng (tăng 13,40%). Trong đó, 12.571 tỷ đồng là dự phòng nợ xấu thông thường (tăng 30,08%) và 4.200 tỷ đồng dự phòng số trái phiếu VAMC hiện còn nắm giữ (giảm 20,81% so với năm 2016).
(9) Tiếp đó, chúng tôi giả định tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 1,90%.
(10) Và dự báo hệ số CAR là 9,5% sau khi phát hành tăng vốn như đề xuất. Chúng tôi giả định BID sẽ thực hiện phát hành tăng 15% vốn cấp 1 trong năm 2018.
Với những giả định trên, BVPS dự phóng là 16.296đ và EPS là 1.667đ, Tại thị giá hiện tại là 37.100đ/cp, P/B dự phóng là 2,27 lần và P/E là 22,25 lần.

Kế hoạch tăng vốn có vẻ đang ở những bước chuẩn bị cuối cùng. BID rõ ràng đã có phương án bán vốn cổ phần cho đối tác và hiện đang chuẩn bị tài liệu để nhận được phê duyệt chính thức. Đây sẽ là phương án phát hành vốn cấp 1 do không giống như các ngân hàng khác, BID không thể tăng vốn cấp 2 hơn nữa. Chúng tôi dự báo quy mô tăng vốn là khoảng 15% vốn mới.
Việc tăng vốn là nhu cầu vô cùng cấp thiết do hệ số CAR của Ngân hàng đã giảm về mức tối thiểu cho phép trong những năm gần đây. Thông tin chi tiết về kế hoạch này dĩ nhiên vẫn rất khan hiếm và trên đây hoàn toàn là giả định của chúng tôi. Nếu phát sinh sự trì hoãn, nguyên nhân có thể xuất phát từ vấn đề định giá do giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong 12 tháng qua mặc dù LNTT của Ngân hàng không tăng tương ứng.
Tiềm năng tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động là rõ ràng nhưng do các tài sản có vấn đề từ trước để lại, nên tăng trưởng lợi nhuận ròng khó cao do Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng. Do vậy, tăng trưởng lợi nhuận trong mô hình dự báo của chúng tôi kém hơn tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động.
Ngoài ra, BID vẫn cần nâng đáng kể vốn cấp 1 để chuẩn bị đáp ứng Basel 2 ngay cả sau khi Ngân hàng thành công trong thương vụ phát hành tăng vốn đầu tiên trong năm 2018. Do vậy chúng tôi cho rằng rủi ro pha loãng trong tương lai là cao. Trong khi đó, một lưu ý khác là tăng trưởng tín dụng và LNTT của BID sẽ thấp hơn mức bình quân các ngân hàng trong ngành do hệ số LDR cao, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung đến dài hạn cao và dĩ nhiên là do còn tồn đọng nhiều tài sản có vấn đề trên BCTC bao gồm nợ xấu chưa xử lý và giá trị trái phiếu VAMC còn nắm giữ lớn. Giá cổ phiếu đã tăng nhờ sự quan tâm lớn của NĐT đối với cổ phiếu ngành ngân hàng trong 12 tháng qua. Và BID vốn là cổ phiếu được NĐT ngắn hạn rất ưa thích nhờ thanh khoản khá tốt và còn room ngoại.
—————————
Nguyễn Hữu Bình – Nhà quản lý tài khoản chứng khoán
(nhận Hợp tác đầu tư – Quản lý tài khoản chứng khoán)
Điện thoại: 0983 361 688
https://www.facebook.com/cophieu86/
Website: www.cophieu86.com
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.