Ngân hàng ACB: LNTT đạt 1.262 tỷ đồng - tăng 52,36% so với cùng kỳ

Ngân hàng ACB: LNTT đạt 1.262 tỷ đồng – tăng 52,36% so với cùng kỳ

Lượt xem:1892 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • NHTMCP Á Châu – ACB thông báo KQKD 6 tháng đầu năm chưa kiểm toán rất khả quan với LNTT tăng 52,36% so với cùng kỳ đạt 1.262 tỷ đồng. Theo đó, Ngân hàng đã hoàn thành 54,88% kế hoạch cả năm, là 2.300 tỷ đồng (tăng trưởng 37,97%).

    Chúng tôi ước tính giá mục tiêu là 30.000đ, tương đương P/B dự phóng 2017 là 2,0 lần và P/B dự phóng 2018 là 1,88 lần. Dự báo LNTT 2017 sẽ tăng trưởng 38,63% và tăng trưởng mạnh 67,38% trong năm 2018. Cho vay và huy động khách hàng đều tăng xấp xỉ 12% so với đầu năm trong khi tỷ lệ NIM ổn định ở mức khoảng 3,28%. Do đó, thu nhập lãi thuần tăng 19,44% so với cùng kỳ trong khi các dòng thu nhập ngoài lãi cũng tăng gần 9 lần khi không còn chi phí dự phòng đối với trái phiếu doanh nghiệp. ACB vẫn trích lập dự phòng đối với cả nợ xấu thông thường và các tài sản có vấn đề khác.

    Giá cổ phiếu đã tăng 46,6% so với đầu năm và room cho NĐTNN đã đầy kể từ 5 năm trước. Tuy nhiên, một số NĐT nước ngoài đang cân nhắc về việc thoái vốn trong thời gian gần. ACB là một trong số ít các ngân hàng có chất lượng tài sản rất tốt và các hệ số an toàn mạnh. Do đó chúng tôi dự báo Ngân hàng sẽ đạt tăng trưởng trên mức bình quân ngành trong 3 năm tới. Và tiềm năng rất lớn về lợi nhuận bất thường từ khả năng thanh lý các tài sản đảm bảo liên quan tới các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng đẩy đủ.

    Ngân hàng ACB: LNTT đạt 1.262 tỷ đồng - tăng 52,36% so với cùng kỳ
    ACB là một trong số ít các ngân hàng có tỷ lệ sử dụng huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn 

    Cho vay khách hàng tăng 11,15% so với đầu năm đạt 181,61 nghìn tỷ đồng, so với mức tăng 16,06% trong 6 tháng đầu năm 2016. Khác với một số ngân hàng khác khi tăng trưởng tín dụng chủ yếu đạt được trong 6 tháng cuối năm, trong 2 năm gần đây ACB đã lựa chọn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng quyết liệt trong 6 tháng đầu năm. Sau khi không còn chịu giám sát chặt chẽ trong quá trình tiến hành tái cơ cấu từ năm 2012-2015, Ngân hàng đã nỗ lực giành lại thị phần đã mất trong phân khúc cho vay khách hàng cá nhân & DNNVV truyền thống.

    Cho vay ngắn hạn là động lực tăng trưởng chính. Cho vay ngắn hạn tăng 28,15% so với đầu năm đạt 97 nghìn tỷ đồng (chiếm 53,94% tổng dư nợ so với tỷ trọng 46,78% trong 6 tháng đầu năm 2016). Trong khi đó cho vay trung và dài hạn giảm 3,80% so với đầu năm là 83,64 nghìn tỷ đồng (chiếm 46,06% tổng dư nợ so với tỷ trọng 53,22% trong 6 tháng đầu năm 2016). Cho vay ngắn hạn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng là xu hướng chung ở hầu hết các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay. Và ACB là một trong số ít các ngân hàng có tỷ lệ sử dụng huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn rất tốt, thấp hơn 30%.

    Phân loại cho vay theo loại tiền: Cho vay khách hàng bằng VND tăng 11,31% so với đầu năm đạt 171,88 nghìn tỷ đồng và chiếm 94,6% tổng dư nợ. Cho vay khách hàng bằng USD tăng 8,4% so với đầu năm đạt 9,72 nghìn tỷ đồng (chiếm 5,36% tổng dư nợ).

    Tỷ trọng cho vay và tiền gửi bằng USD đều ở mức rất thấp, chỉ là 5%, do đó khả năng chênh lệch khoản thanh khoản bằng USD nhìn chung là không đáng lo ngại.

    Tỷ lệ NIM là 3,28% – không đổi so với cùng kỳ. Mặc dù tỷ lệ NIM thực tế đã tăng từ 3,28% lên 3,41% trong 6 tháng cuối năm ngoái. Tỷ lệ NIM không tăng có thể là do Ngân hàng tập trung đẩy mạnh cho vay ngắn hạn trong năm nay và các khoản vay ngắn hạn thường có lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, tổng chi phí huy động tăng 0,19% lên 4,98%.

    Thu nhập lãi thuần tăng 19,44% so với cùng kỳ đạt 3.972 tỷ đồng. Chúng tôi lưu ý rằng tổng dư lãi dự thu của ACB tiếp tục giảm xuống còn 2.660 tỷ đồng từ 3.241 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Điều này phản ánh chất lượng nguồn thu nhập từ lãi và chất lượng tài sản được tiếp tục cải thiện. Với rủi ro thu nhập lãi thuần giảm trong tương lai thấp.

    Ngân hàng ACB: LNTT đạt 1.262 tỷ đồng - tăng 52,36% so với cùng kỳ
    Ngân hàng tập trung đẩy mạnh cho vay ngắn hạn trong năm nay và các khoản vay ngắn hạn thường có lãi suất thấp

    Tổng thu nhập ngoài lãi tăng gần 9 lần so với 6 tháng đầu năm 2016, đạt 1.522 tỷ đồng, so với chỉ 156 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái nhờ đóng góp tốt của hầu hết các nguồn thu nhập ngoài lãi, tuy nhiên đặc biệt là nhờ không còn gánh nặng dự phòng đối vối trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các công ty G6.

    Tổng chi phí hoạt động tăng 43,46% so với cùng kỳ là 3.222 tỷ đồng. chủ yếu là do 649 tỷ đồng chi phí dự phòng đối với các khoản phải thu khác. Do đó, nếu không bao gồm khoản chi phí dự phòng này, chi phí hoạt động từ hoạt động kinh doanh chính trên thực tế chỉ tăng 14,57% so với cùng kỳ là 2.573 tỷ đồng.

    Hệ số CIR là 55% – Tại thời điểm cuối tháng 6/2016 là 67%. Tuy nhiên hệ số CIR lõi (không tính chi phí dự phòng) ở mức thấp hơn, chỉ là 47,2%.

    Chi phí dự phòng tăng 160,87% so với cùng kỳ – lên 966 tỷ đồng. Trong đó: 855 tỷ đồng là chi phí dự phòng nợ xấu thông thường (tăng 261,32% so với cùng kỳ năm trước). 110,75 tỷ đồng là chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC (giảm 23,11% so với cùng kỳ năm trước).

    Tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ là 1,11%, cao hơn thời điểm cuối năm 2016 là 0,87% nhưng thấp hơn mức 1,23% tại thời điểm cuối tháng 6/2016. Như vậy có 585 tỷ đồng nợ xấu mới phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2017 và phần lớn là nợ Nhóm 3 (73 tỷ đồng) và Nhóm 4 (564 tỷ đồng). Trong khi đó nợ Nhóm 5 giảm 52 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ACB chỉ xóa 27 tỷ đồng nợ xấu (giảm 26,95% so với cùng kỳ). Hệ số LLR đạt mức cao kỷ lục là 131%, so với mức 126% tại thời điểm cuối năm 2016 và 90% tại thời điểm cuối tháng 6/2016. ACB hiện có hệ số LLR cao thứ 2 trong ngành ngân hàng, chỉ sau VCB (là 140%).

    Cho năm 2017, dự báo LNTT đạt 2.311 tỷ đồng (tăng trưởng 38,63%), cao hơn khoảng 4,80% so với kế hoạch của ACB. Theo đó chúng tôi dự báo EPS đạt 1.872đ; BVPS đạt 15.225đ; P/B dự phóng hiện đang là 1,77 lần. Cho năm 2018, dự báo LNTT từ 3.468 tỷ đồng (tăng trưởng 50,07%) lên 3.868 tỷ đồng (tăng trưởng 67,38%). Theo đó chúng tôi dự báo EPS đạt 2.687đ; BVPS đạt 15.714đ; P/B dự phóng hiện đang là 1,63 lần.

    ACB có khả năng ghi nhận lợi nhuận đáng kể từ thu nhập không thường xuyên khi thanh lý tài sản đảm bảo trong những năm tới. Một trong những thành quả của việc trích lập dự phòng tích cực trong 5-6 năm qua là các tài sản ngoại bảng tăng lên (đã được trích lập hết nhưng chưa thu hồi). Nhiều ngân hàng cũng có tài sản ngoại bảng nhưng ở ACB thì tỷ lệ tài sản ngoại bảng/tổng tài sản lớn hơn. Do vậy nhiều khả năng Ngân hàng sẽ hạch toán lãi không thường xuyên trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh trong vài năm tới từ thanh lý tài sản đảm bản.

    – ACB có nợ xấu từ trước để lại theo giá trị sổ sách là 6.300 tỷ đồng.

    – Giá trị tài sản đảm bảo liên tục được định giá ở mức khoảng 4.400 tỷ đồng.

    – Tại thời điểm cuối tháng 6/2017, Ngân hàng đã trích lập lũy kế khoảng 5.300 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này.

    – Và chỉ còn 1.000 tỷ đồng chưa được trích lập (dự kiến sẽ được trích lập nốt trước cuối năm nay).

     

    Ngân hàng ACB: LNTT đạt 1.262 tỷ đồng - tăng 52,36% so với cùng kỳ
    Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8, ACB tăng nhẹ lên mốc 26.000đ/CP

    Theo đó ACB có 4.400 tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo (gấp 2,5 lần LNST năm 2017). Chúng tôi coi đây là lợi nhuận tiềm ẩn và ACB có thể bán tài sản đảm bảo để hạch toán lãi trong tương lai.

    Có tin đồn về việc thoái vốn của một số NĐTNN quan trọng. Đã có nhiều tin đồn về việc một số NĐTNN chủ chốt hiện nay thoái vốn. Hiện chưa có gì được xác nhận nhưng chúng tôi cho rằng sẽ là hợp lý nếu cho rằng có một đến hai NĐTNN xem xét thoái vốn trong 6-12 tháng tới. Từ đó xuất hiện khả năng NĐT tài chính có thể sẽ thay thế các cổ đông này nếu được cổ đông kiểm soát và NHNN chấp thuận.

    Mức giá mục tiêu của chúng tôi đối với cổ phiếu ACB là 30.000đ, tương đương P/B dự phóng năm 2017 là 2,0 lần và 2018 là 1,88 lần. Cổ phiếu đã tăng 46,6% so với đầu năm nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh 2 năm liên tiếp. Hiện P/B bình quân (gia quyền) toàn ngành là 1,75 lần dựa trên kết quả dự phóng cho 2017, tuy nhiên chúng tôi cho rằng ACB xứng đáng được định giá ở mức P/B cao hơn là 2 lần dựa trên tiềm năng tăng trưởng tốt hơn do có hệ số LDR và tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn thấp. Và hệ số CAR an toàn. Đặc biệt ACB có thế mạnh ở mảng cho vay khách hàng cá nhân và DNNVV, là những đối tượng có nhu cầu vay cao. ACB còn có khả năng tăng trưởng mạnh từ hoạt động kinh doanh chính, cũng như thu nhập không thường xuyên từ thanh lý tài sản đảm bảo. Hệ thống quản trị rủi ro và danh tiếng của Ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Và Ngân hàng đang có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nhanh hơn ngành trong 3 năm tới. Và khả năng một số NĐTNN lớn sắp thoái vốn cũng thu hút thêm sự chú ý.

    (HCM)

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn