Đồ thị giao dịch PVT ngày 11/05/2020.
KQKD Q1/2020 kém khả quan với doanh thu đạt 1.578 tỷ đồng (giảm 15,3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận thuần đạt 68 tỷ đồng (giảm 54% so với cùng kỳ). Doanh thu sát kỳ vọng của chúng tôi trong khi lợi nhuận thuần thấp hơn 32% so với kỳ vọng; điều này là do lỗ tỷ giá cao gần gấp đôi so với kỳ vọng của chúng tôi.
Doanh thu giảm chủ yếu do PVT chủ động giảm hoạt động thương mại
PVT kinh doanh thương mại LPG, dầu nhiên liệu, phân bón và các sản phẩm khác khi tàu chạy không trọng tải. Mục tiêu là nhằm bù đắp phí nhiên liệu cho tàu chạy không trọng tải trên đường trở về. Doanh thu mảng này biến động
mạnh và biên lợi nhuận rất mỏng.
Trong Q1, PVT đã chủ động giảm hoạt động thương mại do nhu cầu giảm trong khi hầu hết các cảng áp dụng thời gian cách ly 14 ngày.
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận Q1/2020
Doanh thu mảng vận tải tăng trưởng nhẹ nhưng lợi nhuận gộp giảm mạnh.
Chi phí hoạt động tăng do các cảng áp dụng thời gian cách ly 14 ngày đối với toàn bộ tàu quốc tế.
Doanh thu dịch vụ kỹ thuật dầu khí ngoài khơi tăng mạnh nhưng lợi nhuận gộp giảm nhẹ.
Doanh thu tăng và lợi nhuận gộp giảm là do đóng góp lớn hơn từ hoạt động mua sắm. Nằm trong dịch vụ kỹ thuật dầu khí ngoài khơi, PVT mua sắm các thiết bị/sản phẩm liên quan đến dầu thô & khí cho khách hàng của mình. Biên lợi nhuận dịch vụ mua sắm thường rất mỏng.
Lỗ tài chính tăng do lãi tiền gửi giảm và lỗ tỷ giá tăng.
Lãi tiền gửi giảm trong khi chi phí tài chính tăng do PVT mở rộng đội tàu bằng cả vốn vay và lợi nhuận giữ lại. Tại thời điểm ngày 31/3/2020, tiền và tương đương tiền giảm 5,6% so với cùng kỳ trong khi nợ phải trả lãi tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Hơn 60% nợ của PVT là bằng đồng USD. Do đó chi phí tài chính phụ thuộc nhiều vào tỷ giá USD/VND. Trong Q1/2020, tỷ giá USD/VND đã tăng 2% trong khi trong Q1/2019 giảm 0,3%; và đây là lý do khiến lỗ tỷ giá của PVT tăng mạnh và lãi tỷ giá giảm mạnh.
Chi phí bán hàng & quản lý giảm nhưng tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng
Chi phí bán hàng & quản lý là 49 tỷ đồng (giảm 5,7% so với cùng kỳ) trong khi tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu là 3,1%; tăng so với mức 2,8% trong Q1/2019.
Lợi nhuận thuần giảm mạnh 54% so với cùng kỳ
Với doanh thu giảm 15,3%; tỷ suất lợi nhuận gộp giảm còn 14,3% từ 14,7% trong Q1/2019; doanh thu HĐ tài chính giảm 49,1% và chi phí tài chính tăng 55,8%; lợi nhuận thuần đạt 68 tỷ đồng (giảm 54% so với cùng kỳ).
Khó khăn ở phía trước
Những hạn chế về việc đi lại và cách ly xã hội do chính phủ đề ra nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến sức tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh tại Việt Nam. Do vậy, hai nhà máy lọc dầu đã hoạt động dưới công suất từ đầu năm.
Ngoài ra CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR – Upcom – Không xếp hạng) sẽ tạm dừng hoạt động trong 50-55 ngày để sửa chữa bắt đầu vào ngày 20/7. Do vậy, sản lượng dầu thô chuyên chở sẽ giảm đáng kể so với năm 2019.
Giá cước thuê tàu chở dầu thô tăng tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Giá cho thuê tàu chở dầu lớn trong tuần trước là khoảng 60.000 USD/ngày – sau khi chạm mức đỉnh 200.000 USD/ngày trong thời gian gần đây – và mức giá hòa vốn là 30.000 USD/ngày. Giá cho thuê tàu chở dầu tăng do các nhà máy lọc dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã phải thuê tàu để trữ dầu trên biển
trong bối cảnh nguồn cung dầu thô dư thừa.
Chúng tôi tin rằng giá cho thuê tàu sẽ giảm từ mặt bằng cao hiện nay khi chênh lệch giữa giá dầu giao ngay và giá dầu giao theo hợp đồng tương lai thu hẹp về cuối năm do các nước sản xuất dầu giảm sản lượng. Nhu cầu suy giảm trong thời gian dài sẽ làm cho hoạt động thương mại và đi lại trên thế giới giảm, theo đó có thể nhanh chóng đẩy thị trường cho thuê tàu chở dầu vào tình trạng dư
cung trong năm 2021.
Trái với giá cho thuê tàu chở dầu trong ngắn hạn, giá cước tàu chở hàng rời đã giảm khoảng 20% so với đầu năm do nhu cầu đối với các sản phẩm than, quặng, phân bón… giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chúng tôi tin rằng giá cước sẽ dần hồi phục cùng với đà hồi phục của nhu cầu và nền kinh tế sau đại dịch.
Dịch vụ kỹ thuật dầu khí ngoài khơi bao gồm (1) dịch vụ cho thuê tàu FSO Đại Hùng Queen (kho nổi và xuất dầu thô), (2) dịch vụ vận hành và bảo dưỡng tàu FPSO (kho nổi, xử lý và xuất dầu thô), và (3) dịch vụ kỹ thuật dầu khí ngoài khơi khác cho các nhà khai thác dầu khí. Trong đó, dịch vụ cho thuê tàu FSO Đại Hùng Queen và dịch vụ vận hảnh và bảo dưỡng đối với tàu FPSO chiếm khoảng 70% doanh thu mảng, các dịch vụ khác chiếm 30% phần doanh thu còn lại.
Lợi nhuận của mảng dịch vụ thăm dò và khai thác ngoài khơi phụ thuộc phần lớn vào giá dầu thô. Do vậy, chúng tôi cho rằng mảng này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong năm 2020 nhưng sẽ hồi phục trong năm 2021.
PVT có kế hoạch mở rộng tham vọng với tổng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2020 là 320 triệu USD. Kế hoạch này bao gồm mua một tàu chở dầu thô VLCC (Very Large Crude Carrier), 2 tàu chở dầu thô aframax, 4 tàu chở dầu sản phẩm, 3 tàu chở LPG và 4 tàu chở hàng rời. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng PVT sẽ hoãn việc mua toàn bộ tàu chở dầu thô do giá dầu tăng khoảng 20% so với
đầu năm sau khi giá cước tàu chở dầu thô tăng. PVT đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 là 6.200 tỷ đồng (giảm 20,1%) và LNST là 430 tỷ đồng (giảm 47,6%).
Chúng tôi thấy kế hoạch kinh doanh đề ra là khá thận trọng ngay cả khi tính đến sự sụt giảm sản lượng dầu thô chuyên chở, sụt giảm giá cước vận chuyển hàng rời và ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu giảm đối với mảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí ngoài khơi. Chúng tôi đánh giá Mua vào, đồng thời điều chỉnh giảm 5% giá mục tiêu xuống còn 11.620đ; tương đương tiềm năng tăng giá 16,5% từ thị giá hiện tại.
(Nguồn HSC)
GIANG LÂM
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0911096879.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/