Cập nhật BVH : Đẩy mạnh tập trung vào cải thiện khả năng sinh lời trong vòng 3 năm tới. | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

Cập nhật BVH : Đẩy mạnh tập trung vào cải thiện khả năng sinh lời trong vòng 3 năm tới.

Lượt xem:2042 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Năm 2019, thông tư 01 đã có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BVH. Tuy nhiên lợi nhuận tổng thể lại giảm nhẹ do thị trường chứng khoán ảm đạm. Diễn biến phức tạp của COVID-19 nếu kéo dài có thể   tác động xấu lên hoạt động của cả hai mảng bảo hiểm và đầu tư.  Mặc dù đã được Sumitomo tăng vốn nhưng quy mô của đợt tăng vốn là khá nhỏ, trong khi Bộ Tài chính chưa có động thái nào liên quan đến việc giảm tỷ lệ sở hữu tại BVH, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của BVH trong các năm tới khó có thể duy trì  tốc độ cao như  giai đoạn 2015-2018.

    Theo báo cáo tài chính Quý 4/2019 đã công bố, tổng phí bảo hiểm gốc của BVH năm 2019 đạt 35.753 tỷ đồng (+14% YoY). Trong đó phí bảo hiểm gốc nhân thọ đạt 25.452 tỷ đồng (+18,3% YoY), trong khi toàn thị trường tăng trưởng 25% YoY (theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm); phí bảo hiểm gốc phi nhân thọ đạt 10.301 tỷ đồng (+4,5% YoY), so với mức tăng 12,3% của toàn thị trường. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.392 tỷ đồng (-2,1% YoY).

    Hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2019 mặc dù tiếp tục ghi nhận lỗ 848 tỷ đồng nhưng mức lỗ đã thấp hơn nhiều so với năm 2018. Hoạt động tài chính ghi nhận lợi nhuận sụt giảm do chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh nhưng vẫn là nguồn lợi nhuận chính của BVH.

    Thông tư 01/2019/TT-BTC và sự thay đổi cơ cấu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ giúp giảm gánh nặng dự phòng toán học

    Năm 2018, trong khi phí bảo hiểm nhân thọ tăng 25,5%, dự phòng toán học đã tăng mạnh 42% YoY do tác động của Thông tư 50/2017/TT-BTC liên quan đến mức lãi suất kỹ thuật dùng tính toán dự phòng toán học của các doanh nghiệp bảo hiểm (vui lòng xem giải thích của chúng tôi về Thông tư 50 trong Nhật ký chuyên viên ngày 5/3/2019) và tình trạng lãi suất TPCP năm 2018 giảm mạnh so với năm 2017.

    Sang năm 2019, nhờ các điều chỉnh trong cơ cấu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (giảm bảo hiểm hỗn hợp và tăng bảo hiểm liên kết đầu tư) và Thông tư 01/2019/TT-BTC, dự phòng toán học đã được giữ ổn định khi chỉ tăng 8,7% trong khi phí bảo hiểm nhân thọ tăng 18,3%. Thông tư 01/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 50/2017 quy định lãi suất kỹ thuật tối đa không vượt quá 80% (70% theo thông tư 50) lãi suất bình quân của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 10 năm trở lên được phát hành trong 24 tháng (6 tháng theo thông tư 50) gần nhất trước thời điểm trích lập dự phòng và lãi suất kỹ thuật  không được vượt quá tỷ suất đầu tư bình quân của bốn quý liền kề trước đó của doanh nghiệp bảo hiểm và lãi suất tính phí của từng sản phẩm bảo hiểm. Trong bối cảnh lãi suất TPCP liên tục giảm trong các năm gần đây, mức lãi suất kỹ thuật tính theo Thông tư 01 cao hơn và ổn định hơn so với cách tính cũ, giúp giảm áp lực dự phòng toán học của các doanh nghiệp bảo hiểm.

    Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm nhân thọ giảm xuống 31,6% từ mức 42% năm 2018 chủ yếu do chi phí dự phòng toán học tăng chậm hơn phí bảo hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm phi nhân thọ đã tăng từ 60,6% lên 63,4%. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc công ty đã giảm tốc độ tăng phí bảo hiểm phi nhân thọ khá mạnh từ 22,4% năm 2018 còn 4,5% trong năm 2019, trong khi chi bồi thường thường có một độ trễ nhất định.

    Đầu tư: Tỷ trọng tài sản nghiêng về tiền gửi ngân hàng nhằm duy trì tỷ suất đầu tư

    BVH ghi nhận lãi hoạt động tài chính giảm mạnh 22,8% YoY do:

    • Doanh thu hoạt động tài chính năm 2018 tăng 56% YoY, do công ty đã bán bớt một lượng lớn TPCP sắp đáo hạn (thời gian đến khi đáo hạn từ 3 đến 5 năm) thu về khoảng 2.600 tỷ đồng.
    • Chi phí tài chính năm 2019 tăng mạnh gần 30% YoY. Trong đó, lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng mạnh 2,4 lần do thị trường chứng khoán đã rơi vào tình trạng ảm đạm trong hầu hết năm 2019. Ngoài ra, chi phí repo và lãi vay cũng tăng mạnh 40,1% YoY.

    Cơ cấu đầu tư năm 2019: TPCP 26%, tiền gửi ngân hàng 63%, cổ phiếu 2% và phần còn lại bao gồm TPDN, ủy thác đầu tư và đầu tư liên doanh liên kết. Cơ cấu đầu tư đã thay đổi đáng kể với tỷ trọng tiền gửi ngân hàng tăng (40% trong năm 2017 và 58% vào năm 2018) và tỷ trọng TPCP giảm (45% trong năm 2017 và 31% vào năm 2018). Tỷ suất lợi nhuận đầu tư thấp hơn mức 10% năm 2018, nhưng tăng nhẹ nếu loại trừ khoản lãi vốn bất thường từ TPCP trong năm 2018, chủ yếu nhờ lãi suất tiền gửi tăng.

    Trước tình trạng lãi suất TPCP có xu hướng giảm mạnh trong năm 2020, công ty đang xem xét tăng tỷ lệ tiền gửi ngân hàng và giảm đầu tư vào TPCP nhằm duy trì lợi suất đầu tư.

    Bổ sung vốn nhờ phát hành riêng lẻ 41 triệu cổ phiếu (5,91%) cho cổ đông lớn Sumitomo

    Công ty đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 41 triệu cổ phiếu cho cổ đông lớn Sumitomo trong tháng 12/2019 ở mức giá 96.817 đồng/cp, tương đương số tiền thu về xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. 90% sẽ được dùng để tăng vốn cho hai công ty con là Bảo Việt Nhân thọ và Bảo hiểm Bảo Việt, 200 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, phần còn lại dùng để tăng vốn lưu động. Tuy nhiên, xét đến quy mô nhỏ của đợt phát hành này, chúng tôi cho rằng nó sẽ không giúp ích nhiều cho tăng trưởng của BVH.

    COVID-19 có thể tác động bất lợi lên tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm và lợi suất đầu tư

    Tâm lý lo sợ trước dịch COVID-19 đã ngăn cản các hoạt động du lịch và mua sắm các loại hàng hóa không thiết yếu (như ô tô). Điều này có thể khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới (chiếm tỷ trọng lớn nhất), bảo hiểm du lịch (thuộc nhóm bảo hiểm sức khỏe) và bảo hiểm hàng không giảm sút mạnh, có thể làm tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ trở nên khó khăn. Mặc dù bồi thường cho các trường hợp liên quan đến COVID-19 thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm, nhiều công ty bảo hiểm (bao gồm BVH) đã quyết định chấp nhận chi trả để chia sẻ với khách hàng. Tuy nhiên, do hầu hết các chi phí khám chữa bệnh liên quan đến COVID-19 hiện đang được ngân sách Nhà nước chi trả, chúng tôi cho rằng chi phí bồi thường bảo hiểm sức khỏe liên quan đến COVID-19 có thể không tăng đáng kể. Việc khách hàng hạn chế tiếp xúc cũng có thể gây khó khăn cho việc tư vấn của mảng bảo hiểm nhân thọ.

    Lãi suất tiền gửi ngân hàng có thể giảm nhẹ do Chính phủ chủ trương hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Thị giá nhiều cổ phiếu giảm sâu dẫn đến lỗ hoạt động kinh doanh chứng khoán hoặc chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh. Điều này có thể làm giảm lợi suất đầu tư của BVH.

    Nguồn VDSC.

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

     

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn