Diễn biến TTCK thế giới:
Chứng khoán toàn cầu kép lại một tuần biến động khi Fed và một loạt các NHTW có động thái giảm nới lỏng, thậm chí tăng lãi suất. Tuy các thị trường lớn điều chỉnh trong tuần vừa qua nhưng vẫn duy trì mức tăng trên diện rộng kể từ đầu tháng 12 cho tới nay, ngoại từ thị trường Hong Kong.
Các ngân hàng trung ương lớn chọn lộ trình khác nhau, phản ánh sự bất ổn sâu sắc về độ ảnh hưởng của biến chủng Omicron đến kinh tế toàn cầu cũng như tình trạng lạm phát – đang “hoành hành” tại Anh và Mỹ nhưng không quá “nóng” ở châu Âu và Nhật Bản.
Chứng khoán khu vực Châu Âu chỉ giảm nhẹ 0,3%, trong khi đó ở Châu Á ngoại từ thị trường Trung Quốc và Hong Kong giảm lần lượt 0,9% và 3,3% thì các thị trường lớn khác như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có mức tăng 0,4% và 0,2%. Một số thị trường ở Đông Nam Á cũng có mức tăng trong tuần như: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Trồi sụt mạnh trong tuần này, cả ba chỉ số của chứng khoán Mỹ cùng có một tuần đi xuống, với mức giảm lớn nhất thuộc về Nasdaq. Chỉ số của các cổ phiếu công nghệ giảm gần 3%, trong khi Dow Jones và S&P 500 mất tương ứng 1,7% và 1,9% do nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt chặt và sự tiếp diễn của đại dịch.
Diễn biến TTCK Việt Nam:
Thị trường chứng khoán trong nước cũng đã khép lại một tuần bận rộn với các thông tin từ các NHTW chủ chốt trên thế giới có động thái giảm nới lỏng, thậm chí tăng lãi suất, trong khi yếu tố chi phối trong nước là tuần cơ cấu của các quỹ ETF và đáo hạn phái sinh. Thanh khoản toàn thị trường tăng so với tuần trước đó, dòng tiền tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Chỉ số VN-Index đã có thêm 16,25 điểm(tương đương tăng 1,1%) với xu hướng chủ đạo là đi ngang và tiệm cận vùng đỉnh cũ 1.500 điểm. Đây cũng là tuần tăng thứ 2 liên tiếp của chỉ số này, đóng góp vào mức tăng nhẹ 0,1% trong tháng 12 để duy trì chuỗi tăng sang tháng thứ 5 liên tiếp. Kể từ đầu năm, thị trường đang có 10 tháng tăng điểm và 2 tháng giảm (vào tháng 1 và tháng 7).
Đồ thị VN-Index theo khung tuần
Chúng tôi cho rằng, các nguyên nhân có thể khiến dòng tiền vẫn chưa dịch chuyển trở lại nhóm Bluechips như:
1) Tâm lý nhà đầu tư thận trọng với tuần cơ cấu của các quỹ ETF cũng như hiệu ứng đáo hạn phái sinh.
2) Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ bluechips vẫn chưa lôi kéo được dòng tiền quay trở lại cũng như các tín hiệu kỹ thuật chưa ủng hộ.
3) Về kỹ thuật, trong khi nhóm midcap và smallcap đều đã vượt đỉnh lịch sử và thanh khoản cũng tăng lần lượt 27,6% và 36,9% trong tuần vừa qua thì nhóm bluechips (Vn30) vẫn đang đi ngang kể từ giữa tháng 10, thanh khoản chỉ tăng 0,58% và vẫn cách đỉnh gần 5%.
Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua tăng 16,9% đạt 33.729 tỷ đồng, trong đó thanh khoản khớp lệnh sàn HSX đạt 25.845 tỷ đồng, tăng 17,8% so với tuần trước. Cũng theo thống kê, thanh khoản bình quân tháng 12 đạt 31.783 tỷ đồng, cao hơn so với mức bình quân kể từ đầu năm ở 26.159 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục trong tháng 11 ở 40.117 tỷ đồng.
Về giao dịch của khối ngoại: Tuần vừa qua khối ngoại quay lại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng sau khi mua ròng 358 tỷ đồng ở tuần trước đó. Lực mua chủ yếu ở nhóm Vingroup trong khi áp lực bán tập trung ở VPB và HPG. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 61.566 tỷ đồng, do quy mô thị trường 2 năm vừa qua có bước tăng trưởng mạnh mẽ cùng sự trỗi dậy của dòng tiền nội nên ảnh hưởng từ việc bán ròng của khối ngoại cũng giảm đi đáng kể, chỉ số VN-Index vẫn có mức tăng 34% và bỏ xa các thị trường lớn trên thế giới bấp chấp áp lực bán ròng từ khối ngoại mạnh nhất kể từ trước tới nay.
Về các nhóm ngành, chúng tôi ghi nhận mức tăng mạnh mẽ ở các nhóm cổ phiếu như: bất động sản thương mại (+3,53%), bất động sản khu công nghiệp (+3,77%) cùng nhóm cổ phiếu sản xuất và phân phối điện (+3,32%). Cả 3 nhóm cổ phiếu này đều đã vượt đỉnh lịch sử, tương đương chỉ số VN-Index trên ngưỡng 1.510 điểm. Trong khi đó, nhóm chứng khoán tuy đã có phiên cuối tuần tăng tốt nhưng cả tuần vẫn giảm hơn 3% và là nhóm có mức giảm mạnh nhất trong tuần vừa qua. Hiện mức tập trung vốn trên thị trường đang dồn vào nhóm bất động sản (bao gồm cả BĐS KCN) chiếm tới 25%, tiếp theo là nhóm ngân hàng 16,2%, xây dựng và vật liệu xây dựng 14,2%… Các nhóm bất động sản, sản xuất và phân phối điện, dược phẩm, ô tô và phụ tùng, dệt may, Vingroup…là địa chỉ thu hút dòng tiền.
Tuần tới, chúng tôi cho rằng cung cầu thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng khi đã vượt qua kỳ cơ cấu của các quỹ ETF, đáo han phái sinh và ảnh hưởng từ động thái mới nhất của các NHTW chủ chốt, bên cạnh đó là sự lây lan của biến chủng Omicron. Theo Báo cáo Dự báo tăng trưởng kinh tế quý 1/2022 vừa được Ngân hàng UOB phát hành, kinh tế quý 4/2021 đã có sự “đảo chiều” so với quý 3/2021 khi các hoạt động kinh doanh dần trở lại bình thường kể từ đầu tháng 10/2021. Với sự “đảo ngược” của nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng, UOB kỳ vọng tăng trưởng GDP quý 4/2021 sẽ phục hồi lên mức 7%. Điều này sẽ đưa tăng trưởng GDP cả năm lên 3%.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có 1 tuần đi ngang tích lũy sau nhịp phục hồi từ ngưỡng hỗ trợ thấp 1.400 điểm. Thanh khoản đã tăng trở lại và độ rộng tích cực là các dấu hiệu cho thấy “lượng đi trước, giá theo sau”. Chỉ số VNIndex đang được hỗ trợ mạnh ở ngưỡng 1.470 điểm và nằm trong kênh tăng giá kể từ đầu tháng 8 với mục tiêu 1.540 điểm.
MBS Research.